Thanh tra Chính phủ được quyền thanh tra lại các vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Theo quy định mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền tiến hành thanh tra lại các vụ việc đã được kết luận bởi Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Sáng ngày 3/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật và pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Trong số đó, đáng chú ý có Luật Thanh tra (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương, 64 điều, được thiết kế nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết, luật đã loại bỏ các quy định liên quan đến thanh tra cấp tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, cũng như các tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Một điểm mới đáng lưu ý là luật quy định thống nhất một loại hoạt động "thanh tra", không còn phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Các hoạt động thanh tra do Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh và các cơ quan thanh tra khác thực hiện sẽ tuân thủ trình tự, thủ tục thống nhất theo quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, luật cũng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với sự khác biệt về địa vị pháp lý và phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan.
Sau quá trình sắp xếp lại hệ thống tổ chức thanh tra, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm nhiệm vụ từ 12 bộ không còn cơ quan thanh tra chuyên trách. Theo đó, cơ quan này có quyền thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ nói trên.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng có thẩm quyền thanh tra các vụ việc phức tạp, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ hoặc UBND cấp tỉnh.
Đáng chú ý, Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung quy định về việc Thanh tra Chính phủ có quyền kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra do các cơ quan như Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, các cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế và thanh tra tỉnh ban hành.
Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ quyết định việc thanh tra lại nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các kết luận thanh tra nêu trên. Quy định này được đưa vào luật nhằm tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tăng cường hiệu lực giám sát và đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thanh tra.
Theo luật, việc thanh tra lại được tiến hành khi xuất hiện một trong năm dấu hiệu vi phạm pháp luật sau: Có vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định thanh tra; Có sai sót trong việc áp dụng pháp luật dẫn tới kết luận thanh tra sai lệch; Nội dung kết luận không phù hợp với chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra; Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ hoặc cố ý đưa ra kết luận trái pháp luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ.
Thời hiệu để tiến hành thanh tra lại là hai năm kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra. Trong trường hợp kết luận thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ, việc thanh tra lại sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Thời hạn tiến hành thanh tra lại không vượt quá thời hạn được quy định cho một cuộc thanh tra thông thường. Khi có căn cứ theo luật, cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện thanh tra lại đối với kết luận của cơ quan thanh tra cấp dưới nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và tuân thủ pháp luật trong toàn hệ thống thanh tra nhà nước.