Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được - Dám nghĩ, dám làm, đưa TP.HCM chinh phục đỉnh cao mới
Chỉ trong chưa đầy nửa năm giữ trọng trách Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Được đã khẳng định bản lĩnh lãnh đạo với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Với chiến lược rõ ràng, đội ngũ hành động, mô hình chính quyền phục vụ và doanh nghiệp là trung tâm, ông đang từng bước dẫn dắt TP.HCM chinh phục đỉnh cao mới trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
.jpg)
Tại Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sáng 30/6, ông Nguyễn Văn Được - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM mới.
Nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Long An được điều động nhận nhiệm vụ tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Được đã phát huy ưu thế để điều hành "con tàu lớn" của cả nước. Phát biểu nhận nhiệm vụ vào tháng 2/2025, ông khiêm tốn ví mình từ người “lái xuồng ba lá” trong sông rạch nhỏ (Long An) nay nhận trách nhiệm điều hành “con tàu lớn” TP.HCM, đi trên sông cái, thậm chí vượt biển cả, với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy kỳ vọng. Từ tháng 2 đến tháng 6/2025, Chủ tịch Nguyễn Văn Được đã thể hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển, định vị TP.HCM theo hướng đô thị thông minh, đa trung tâm, sẵn sàng cạnh tranh trong kỷ nguyên mới.

1. Ưu tiên hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng hai con số
Ngay trong phiên họp đầu tiên về tình hình kết quả kinh tế, xã hội tại TP.HCM tháng 2/2025, Chủ tịch Nguyễn Văn Được đã nêu mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% là một mục tiêu “nặng nề, thời gian cấp bách, con người tinh giản”. Ông đề nghị tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, đưa thành phố phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình, tiếp tục giữ cực tăng trưởng của cả nước. Trong đó, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn - những "cục máu đông" trong đầu tư công, rà soát các dự án vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Ông xác định 6 nhóm giải pháp trọng điểm: Tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục, thu hút đầu tư, đẩy nhanh giải ngân công, hoàn thiện hạ tầng vùng và liên kết vùng. Trước đó, ở kỳ họp HĐND Thành phố ngày 20/2, ông cũng đề xuất tập trung hạ tầng liên vùng Đông Nam bộ - Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác không gian phát triển mở rộng sau sáp nhập.
2. Cải cách hành chính quyết liệt, lấy sự hài lòng làm thước đo
Trong các buổi làm việc với địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được liên tục nhấn mạnh, chính quyền hai cấp phải hoạt động trơn tru từ ngày đầu sau sáp nhập. Hệ thống hồ sơ, tài sản công cần rà soát chặt chẽ, tránh ách tắc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tại buổi làm việc với quận 6 vào đầu tháng 6/2025, ông lưu ý rà soát, bố trí sử dụng tài sản công; chỉnh lý, số hóa hồ sơ tài liệu để không bị mất, thất lạc trong quá trình chuyển giao, đảm bảo giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp thông suốt.

Sáng 1/7, tại buổi khảo sát việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở phường Dĩ An - phường đông dân nhất TP.HCM sau sáp nhập, ông khẳng định: "Quan điểm của Đảng, Nhà nước và cũng là của thành phố từ trước, trong và sau khi sáp nhập là lấy sự hài lòng của dân làm thước đo cho hiệu quả bộ máy và hiệu quả lãnh đạo của chính quyền, của cán bộ, đảng viên”.
Phải quyết tâm cao độ đổi mới tư duy, nhận thức và chuyển hóa đến toàn thể đội ngũ cán bộ công chức thành phố, phải biến cơ chế xin - cho thành phục vụ. Chính quyền Thành phố phải thực sự "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", lấy hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu, làm thước đo đánh giá công việc.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được
Ông cũng yêu cầu cán bộ TP.HCM phải chuyên nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ và số hóa toàn diện. Trong đó, giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới là điều kiện bắt buộc phải làm, để người dân có thể nộp hồ sơ ở bất kỳ nơi đâu, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng hay thậm chí ở nước ngoài đều làm được.
Tại Lễ trao quyết định cán bộ chiều 1/7, ông nhấn mạnh: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mỗi cán bộ phải giữ vững phẩm chất, chủ động xử lý vấn đề, đặt lợi ích chung lên trên hết. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ cán bộ, viên chức phải đổi mới tư duy, nhận thức, phải biến cơ chế xin - cho thành phục vụ.
3. Khát vọng siêu đô thị quốc tế
Sau sáp nhập, ông Nguyễn Văn Được xác định TP.HCM là thực thể hành chính - kinh tế mới, với sứ mệnh tối ưu hóa tiềm năng, trở thành “siêu đô thị quốc tế” - một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động.
TP.HCM mới sẽ là một trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực; với định hướng phát triển trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, bền vững về môi trường, xã hội hài hòa, gắn kết, rộng mở, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới; phấn đấu là nơi hấp dẫn, hội tụ nhân tài, doanh nhân trong nước và quốc tế, là nơi của cộng đồng khởi nghiệp, sáng tạo, ươm mầm những xu hướng và mô hình tiên tiến. TP.HCM mới không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia mà phải là đô thị hiện đại có ảnh hưởng trong mạng lưới các Thành phố toàn cầu.
Điều này cũng được ông khẳng định tại buổi trao quyết định cán bộ chiều 1/7. Trích dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm, ông nhấn mạnh, sáp nhập không chỉ là gộp địa giới, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí vùng, tạo bước đột phá để TP.HCM lọt top 100 thành phố đáng sống vào năm 2030.
4. Dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm
Phát biểu khi nhận nhiệm vụ ở TP.HCM vào tháng 2/2025, ông Nguyễn Văn Được khẳng định: “Sẽ không có sự thay đổi nào nếu người đứng đầu không thực sự tự mình thay đổi trước và sẽ không có sự thành công nào nếu như tôi làm điều đó một mình, mà cần có sự thay đổi đồng bộ của cả hệ thống chính trị”. Với ông, giai đoạn này đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đây là những giá trị cốt lõi nhất để đưa TP.HCM chinh phục đỉnh cao mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sẽ không có sự thay đổi nào nếu người đứng đầu không thực sự tự mình thay đổi trước và sẽ không có sự thành công nào nếu như tôi làm điều đó một mình, mà cần có sự thay đổi đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Văn Được - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM
Giao nhiệm vụ cụ thể và rõ ràng cho cán bộ, ông đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải có tư duy đột phá và trách nhiệm cao. Đồng thời, yêu cầu cán bộ thực hiện phương châm 5 thật (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được hưởng thụ thật), 6 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền), 7 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung). Trong đó, “nói thật - làm thật - hiệu quả thật” là lời cam kết hành động; còn “người dân được hưởng thụ thật” là kết quả cuối cùng.
Sự đoàn kết, đồng lòng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những giá trị cốt lõi nhất để đưa TP.HCM chinh phục đỉnh cao mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
5. Đề cao vai trò của doanh nghiệp
Nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Nguyễn Văn Được đã ghi dấu ấn với tư duy: "Doanh nghiệp không chỉ là nhà đầu tư, mà là đối tác chiến lược, là động lực phát triển". Tinh thần ấy được ông tiếp tục phát huy tại TP.HCM.
.jpg)
Trong chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức đầu tháng 3/2025, ông cam kết, chính quyền thành phố quyết tâm chuyển đổi từ tư duy hành chính công quyền sang phục vụ, xem người dân và doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời coi cộng đồng doanh nghiệp là nguồn lực phát triển. Ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phát huy trí tuệ, tâm huyết để phát triển bền vững, đóng góp cho nền kinh tế.
Cần đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57, luôn xem người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phục vụ; xem doanh nghiệp là nguồn lực, động lực cho sự phát triển.

Tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tháng 5/2025, ông Được cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu để phát huy tốt vai trò của SMEs tại thành phố, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của TP.HCM. Ông giao Thường trực UBND TP.HCM phụ trách lĩnh vực, các sở, ngành, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tiền lương, thu nhập của người lao động.
Nhận định “chiếc áo” của SMEs hiện đã chật chội, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nghiên cứu mô hình hoạt động mới cho SMEs, tái cơ cấu để mở không gian phát triển mới, chống lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM mới
- Sinh năm 1968
- Quê quán: Xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An
- Trình độ chuyên môn: Cử nhân Địa chất, Thạc sĩ Địa chất học, Cao cấp lý luận chính trị
.jpg)
- Quá trình công tác:
+ Trưởng thành từ cơ sở trong lĩnh vực đất đai, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Long An như: Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạnh Hóa; Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh.
+ Tháng 11/2010: Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh.
+ Tháng 4/2013: Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh.
+ Tháng 1/2016: Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An.
+ Tháng 4/2019: Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An.
+ Tháng 10/2020: Giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Long An 2020-2025.
+ Tháng 10/2020: Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2016-2021.
+ Tháng 1/2021: Được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
+ Tháng 2/2025: Được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
+ Ngày 30/6/2025: Được chỉ định giữ chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM mới.