Bản tin chiều 2/7: Sun Group đề xuất làm 40 km đường ven sông và metro ở TP.HCM
Tin tức nổi bật chiều 2/7: Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khai trương 3 nền tảng số; Bộ Công Thương đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương; Công bố lãi suất vay nhà ở xã hội cho người trẻ; Hơn 47 km đường Vành đai 3 sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025; Sun Group đề xuất làm 40 km đường ven sông và metro ở TP.HCM... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khai trương 3 nền tảng số
Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2025. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị.

Trong phần đầu hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã tổ chức ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW. Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú và các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khai trương 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.
Theo đó, 3 nền tảng số gồm: Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Công Thương đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương
Sáng 2/7, tại TP.HCM, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với trường Đại học Công Thương TP.HCM tổ chức Chương trình đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương tại địa bàn thành phố.

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và năng lực ứng dụng công nghệ số cho bà con tiểu thương chợ truyền thống. Thông qua chương trình, các Ban quản lý chợ và tiểu thương sẽ được trang bị kiến thức thực tiễn về thương mại điện tử, phương thức thanh toán số, quản lý bán hàng trên nền tảng số, quảng bá sản phẩm trực tuyến, giúp họ thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.
Tại chương trình đào tạo, ông Nguyễn Hồng Vũ - Viện trưởng Viện chuyển đổi số Trường Đại học Công Thương TP.HCM đã chia sẻ cho các Ban quản lý chợ và tiểu thương giải pháp chuyển đổi số công tác quản lý chợ truyền thống. Bên cạnh đó, trong phiên Tọa đàm, Ban quản lý chợ và các tiểu thương đã có cơ hội lắng nghe các chia sẻ và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia tới từ các doanh nghiệp giải pháp Sapo, Haravan, ViHat để được cung cấp các kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm triển khai và công cụ để chuyển đổi số trong quá trình kinh doanh.
Công bố lãi suất vay nhà ở xã hội cho người trẻ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành văn bản số 5312/NHNN-CSTT và 5313/NHNN-CSTT ngày 24/6/2025, quy định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội áp dụng từ 1/7 đến 31/12.

Theo đó, người dưới 35 tuổi vay mua nhà ở xã hội được hưởng lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank trong 5 năm đầu, tương đương 5,9%/năm. Trong 10 năm vay vốn tiếp theo, lãi suất thấp hơn 1%/năm so với mức bình quân trên.
Đối với các dự án thuộc Nghị quyết 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất vay đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là 5,9%/năm; đối với chủ đầu tư dự án là 6,4%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho dư nợ của các khoản vay được giải ngân trong thời gian từ 1/7 đến hết 31/12.
Hơn 47 km đường Vành đai 3 sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025
Thông tin trên nằm trong báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, hưởng ứng đợt cao điểm thi đua "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), tuyến đường Vành đai 3, đoạn đi qua TP.HCM có chiều dài hơn 47 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 41.387 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm gần 19.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 6/2023. Đến nay, 10/14 gói thầu xây lắp chính đã được triển khai, khối lượng đạt khoảng 41%. Bốn gói còn lại đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế để trình Sở Xây dựng thẩm định. Tổng giá trị giải ngân đến tháng 6/2025 đạt hơn 7.848 tỉ đồng.
Dự kiến đến ngày 31/12/2025, dự án sẽ thông xe kỹ thuật 14,7 km cầu cạn và 32,6 km cao tốc tại huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Đến ngày 30/6/2026, toàn bộ đoạn Vành đai 3 đi qua TP.HCM (dài 47,5 km) sẽ chính thức thông xe.
Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy công trình
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đây cũng chính là phần việc Bộ Xây dựng được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao tại Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Nội dung kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chuyên môn về xây dựng có khoảng cách phòng cháy, chữa cháy giữa các công trình, hạng mục công trình trong cùng lô đất; khoảng cách phòng cháy, chữa cháy từ công trình, hạng mục công trình đến công trình tiếp giáp hoặc ranh giới khu đất; khoảng cách phòng cháy, chữa cháy từ công trình, hạng mục công trình đến các đối tượng tiếp giáp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ngoài ra còn kiểm tra đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lối vào để tiếp cận và tổ chức các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và giải pháp thoát nạn như: lối thoát nạn, đường thoát nạn, thang bộ thoát nạn, thang máy chữa cháy, lối ra khẩn cấp, lối ra mái, gian lánh nạn… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn kiểm tra bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan.
Sun Group đề xuất làm 40 km đường ven sông và metro ở TP.HCM
Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM để đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án tại một số khu vực trọng điểm của TP. Thủ Đức và huyện Củ Chi (cũ), TP.HCM. Theo đề xuất, Sun Group mong muốn được TP.HCM tạo điều kiện để nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng tại khu vực ven sông Sài Gòn (địa bàn huyện Củ Chi cũ) theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn với quy mô từ 8 đến 10 làn xe, chiều dài khoảng 40 km. Đồng thời, đầu tư tuyến metro hoặc tramway ven sông Sài Gòn tại địa bàn huyện Củ Chi (cũ). Với hình thức đầu tư BT, Sun Group kiến nghị đối ứng bằng quỹ đất và quyền đầu tư tại các khu đất ven sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi (cũ) với tổng diện tích khoảng 4.100 ha.
Trước đó, tập đoàn cũng từng đề xuất đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn. Theo phương án đầu tư khi đó, tuyến đại lộ được nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) đến ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), dài 78,2 km. Tuy nhiên, trong đề xuất lần này, quy mô dự án được điều chỉnh còn hơn 40 km. Ngoài dự án giao thông, Sun Group cũng đề xuất đầu tư hai dự án lớn khác gồm: Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (187 ha) và Khu Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (395 ha). Cả hai đều được đề xuất theo hình thức BT, với cơ chế đối ứng bằng quỹ đất và quyền đầu tư tại Khu đô thị Trường Thọ (147 ha).
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo lại vụ Sơn Hải
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu thi công dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Cụ thể, theo yêu cầu trước đó, Bộ Tài chính phải hoàn thành kiểm tra và báo cáo kết quả trước ngày 10/6. Tuy nhiên, đến ngày 19/6, Bộ mới gửi báo cáo, bị đánh giá là quá chậm. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Nội dung báo cáo cũng bị nhận xét chưa thể hiện đúng chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu. Trước hết, Phó thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính không làm rõ vai trò của cơ quan chuyên môn trong quản lý hoạt động đấu thầu. Việc kiếm tra chưa tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 23/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) về mẫu hồ sơ, báo cáo đánh giá, thẩm định, kiểm tra đấu thầu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính không phân tích cụ thể kết quả kiểm tra, không đưa ra kết luận rõ ràng cũng như kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra hay các cấp có thẩm quyền.
Với các vấn đề này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện báo cáo theo đúng chức năng và nhiệm vụ. Trong đó, cần làm rõ các nội dung cụ thể liên quan đến hồ sơ mời thầu (E-HSMT), hồ sơ dự thầu (E-HSDT), năng lực tổ chuyên gia, kết quả lựa chọn nhà thầu Phó thủ tướng cũng yêu cầu báo cáo cần có kiến nghị cụ thể, rõ ràng về việc tiếp tục xử lý kết quả hiện tại, hoặc cần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, hay thực hiện các biện pháp cần thiết khác.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1459/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Theo Quyết định, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND TP. Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu mang hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Duyệt chủ trương đầu tư hai dự án đô thị hơn 54.000 tỷ tại Dung Quất
Hai dự án đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng vốn hơn 54.000 tỷ đồng (2,13 tỷ USD) vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hai dự án gồm đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc và phía Nam. Trong đó, dự án Đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc có quy mô khoảng 1.320 ha, gồm 1.668 căn nhà biệt thự và liền kề, một sân golf 18 lỗ và dân số dự kiến gần 86.000 người. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội là gần 31 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 27.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Dự án phía Nam có quy mô lớn hơn, khoảng 1.377 ha, với 935 căn nhà biệt thự và liền kề, sân golf 18 lỗ, dân số khoảng 68.700 người và hơn 24 ha đất dành cho nhà ở xã hội. Tổng vốn đầu tư ước tính 27.500 tỷ đồng.
Hai dự án nêu trên thuộc quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000, Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất, đã được UBND tỉnh phê duyệt và công bố vào tháng 1. Khu đô thị này có tổng diện tích hơn 7.345 ha, định hướng phát triển thành khu vực đa chức năng gồm đô thị, du lịch, dịch vụ, tài chính và thương mại, tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng ven biển phía Đông Nam của tỉnh.