Chính sách mới

Việt Nam được miễn trừ áp thuế phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sơ-mi-rơ-moóc sang Canada

Hùng Nguyễn 27/05/2025 09:18

Ngày 23/5/2025, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) đã công bố kết luận chính thức về cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng sơ-mi-rơ-moóc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, CBSA xác định rằng hàng hóa từ Việt Nam không có hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang được Canada áp dụng đối với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.

Kết luận trên đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sơ-mi-rơ-moóc sang thị trường Canada mà không bị áp thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp, qua đó duy trì hoạt động thương mại ổn định và hợp pháp tại quốc gia này.

Cuộc điều tra được khởi xướng vào ngày 25/11/2024, dựa trên cáo buộc của công ty Max-Atlas International Inc., cho rằng sản phẩm sơ-mi-rơ-moóc từ Việt Nam có dấu hiệu lẩn tránh các biện pháp phòng vệ đang áp dụng với hàng hóa cùng loại từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra toàn diện, CBSA đã kết luận rằng hoạt động sản xuất tại Việt Nam là thực chất và không mang tính chất né tránh thuế.

Canada 'giải oan' thuế phòng vệ thương mại cho sơ-mi-rơ-moóc Việt Nam

Trước đó, vào ngày 19/01/2022, CBSA đã ban hành kết luận cuối cùng xác định Trung Quốc có hành vi bán phá giá và trợ cấp mặt hàng sơ-mi-rơ-moóc. Theo sau đó, ngày 18/02/2022, Tòa án Thương mại Quốc tế Canada (CITT) khẳng định việc nhập khẩu từ Trung Quốc gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, và Canada bắt đầu áp mức thuế 126,4% (chống bán phá giá) cùng 12.370 Nhân dân tệ/đơn vị (chống trợ cấp) đối với các sản phẩm này.

CBSA ghi nhận rằng trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2024, tổng lượng nhập khẩu sơ-mi-rơ-moóc từ Trung Quốc sụt giảm mạnh từ 49% xuống còn 1%, trong khi lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ 0% lên 34% vào năm 2023. Dù có sự thay đổi đáng kể trong quy mô thương mại, CBSA vẫn xác định rằng điều này không phải là dấu hiệu của hành vi lẩn tránh thuế.

Cơ quan này cũng tiến hành kiểm tra chi tiết quy trình sản xuất tại Việt Nam và nhận thấy chi phí sản xuất nội địa, bao gồm lao động, nguyên vật liệu và quản lý, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng chi phí. Đặc biệt, mức đầu tư vào hạ tầng, thiết bị và nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy hoạt động sản xuất tại đây là thực chất, không đơn thuần chỉ là lắp ráp hoặc gia công nhẹ từ linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo nhận định của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), kết luận của CBSA là một tín hiệu tích cực cho ngành sản xuất và xuất khẩu sơ-mi-rơ-moóc của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều biến động và xu hướng gia tăng rào cản thương mại.

Việc được miễn trừ áp thuế phòng vệ thương mại giúp củng cố uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời mở rộng cơ hội xuất khẩu hợp pháp và bền vững sang thị trường Canada, một trong những thị trường có tính cạnh tranh và yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hóa.

Hùng Nguyễn