Bản tin tổng hợp

Bản tin sáng 27/5: Việt Nam - Pháp ký 14 văn kiện hợp tác chiến lược, mở rộng sang lĩnh vực hạt nhân, vệ tinh và hàng không

Hưng Nhật 27/05/2025 06:00

Tin tức nổi bật sáng 27/5: Tổng thống Macron: Pháp muốn tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực với Việt Nam; Từ 1/7/2025 đến hết năm 2028 phòng công chứng nhà nước buộc phải chuyển đổi hoặc giải thể; Thành lập Ban Chỉ đạo sáp nhập Công an TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương; Việt Nam - Pháp ký 14 văn kiện hợp tác chiến lược, mở rộng sang lĩnh vực hạt nhân, vệ tinh và hàng không; Bộ Tài chính đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh, cấp xã sau khi bỏ cấp huyện... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Việt Nam - Pháp ký 14 văn kiện hợp tác chiến lược, mở rộng sang lĩnh vực hạt nhân, vệ tinh và hàng không

Ngày 26/5, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Việt Nam và Pháp đã trao 14 văn kiện hợp tác quan trọng tại Phủ Chủ tịch, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

viet-nam-phap-2-1748264853481540.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chứng kiến lễ trao hợp đồng mua máy bay Airbus giữa Vietjet và Airbus. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các văn kiện bao gồm hợp tác trong quốc phòng, lưu trữ, nông nghiệp, giao thông, khoa học - công nghệ, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, hợp tác vũ trụ với Airbus và CNES, và hợp đồng mua 20 tàu bay thân rộng A330-900 giữa Vietjet và Airbus. Ngoài ra, hai bên ký kết thỏa thuận về sản xuất vắc xin, phát triển hạ tầng cảng biển và điện lưới truyền tải.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như y tế, giáo dục, văn hóa, và đẩy mạnh hợp tác mới gồm hạ tầng số, năng lượng sạch, hàng không vũ trụ, chuyển đổi số và công nghệ bán dẫn. Pháp cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu trong khuôn khổ JETP và thúc đẩy phê chuẩn EVIPA, gỡ “thẻ vàng” IUU cho thủy sản Việt Nam.

Từ 1/7/2025 đến hết năm 2028 phòng công chứng nhà nước buộc phải chuyển đổi hoặc giải thể

Theo quy định tại Nghị định 104/2025 hướng dẫn thi hành Luật Công chứng 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, toàn bộ các phòng công chứng nhà nước trên cả nước buộc phải chuyển đổi sang mô hình văn phòng công chứng tư nhân hoặc tiến hành giải thể chậm nhất vào cuối năm 2028.

Căn cứ mức độ tự chủ tài chính, lộ trình chuyển đổi được chia làm ba giai đoạn. Trước ngày 31/12/2026, các phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư phải hoàn tất việc chuyển đổi hoặc giải thể. Đối với phòng công chứng chỉ tự bảo đảm chi thường xuyên, thời hạn hoàn thành là trước ngày 31/12/2027. Các phòng công chứng còn lại phải hoàn tất quá trình này trước ngày 31/12/2028.

11 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng | Báo Pháp luật Việt Nam điện tử

Việc chuyển đổi sang văn phòng công chứng tư được áp dụng tại những địa phương có hệ thống công chứng tư nhân phát triển, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng của cá nhân và tổ chức. Khi đó, Sở Tư pháp địa phương sẽ lập đề án chuyển đổi trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp không đáp ứng điều kiện chuyển đổi, Sở Tư pháp sẽ lập đề án giải thể để UBND quyết định. Các văn phòng công chứng tư nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định này, do đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm các phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân. Riêng tại TP.HCM, thống kê cho thấy có 7 phòng công chứng nhà nước và 110 văn phòng công chứng tư. Việc chuyển đổi này nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, đồng thời bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của người dân và tổ chức trong thời gian tới.

Thành lập Ban Chỉ đạo sáp nhập Công an TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương

Ngày 26/5, Công an TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã họp tại TP.HCM, thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc để triển khai công tác sáp nhập theo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an.

Buổi làm việc do Trung tướng Lê Hồng Nam- Giám đốc Công an TP.HCM, Đại tá Vũ Như Hà - Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đại tá Tạ Văn Đẹp - Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đồng chủ trì.

Các bên đã thảo luận phương án tổ chức, chuẩn bị điều kiện, nguồn lực cần thiết để bảo đảm sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn, theo tinh thần “vừa làm vừa điều chỉnh”. Đồng thời, thống nhất chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ Công an TP.HCM nhiệm kỳ 2025 - 2030, sau khi 3 địa phương hợp nhất thành một thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ rà soát, bàn giao công tác chuyên môn, bảo đảm sẵn sàng triển khai khi có chỉ đạo chính thức từ Bộ Công an.

Đề xuất ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự để thúc đẩy hội nhập quốc tế

Chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày trước Quốc hội dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Việc xây dựng luật này nhằm khắc phục những hạn chế trong thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

dân sự - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Gia Hân

Dự thảo luật gồm 4 chương, 36 điều, quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Nhiều nội dung mới đáng chú ý được đưa vào như ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, miễn hợp pháp hóa lãnh sự trong một số trường hợp, hay quy định điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài khi chưa có điều ước quốc tế.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, đánh giá dự thảo bảo đảm tính hợp hiến và phù hợp Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, ủy ban cũng lưu ý cần làm rõ một số vấn đề như xử lý yêu cầu liên quan đến phá sản, thẩm quyền tòa án khu vực và phương thức tống đạt giấy tờ qua doanh nghiệp bưu chính công ích.

Bộ Tài chính đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh, cấp xã sau khi bỏ cấp huyện

Chiều 26/5, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các văn bản pháp luật nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương 2 cấp - cấp tỉnh và cấp xã sau khi bỏ cấp huyện theo tinh thần Kết luận 155 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để trao quyền mạnh hơn cho địa phương trong đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công, thu chi ngân sách và thuế, bộ đã trình sửa nhiều luật tại kỳ họp thứ 9 và sẽ tiếp tục trình sửa thêm tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Đồng thời, bộ đang xây dựng 5 nghị định và 7 thông tư quy định rõ nhiệm vụ của từng cấp chính quyền.

base64-17482608340821578482977.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ sẽ phân cấp mạnh cho cấp tỉnh, cấp xã trong các lĩnh vực quản lý. Ảnh: B.NGỌC

Bộ đã rà soát 24 lĩnh vực, đưa ra 563 quy định cần phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương như TP. Huế lo ngại cấp xã sẽ gặp khó do khối lượng công việc lớn và phức tạp.

Tương tự, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phân cấp tối thiểu 50% nhiệm vụ. Hiện mới có 3 đơn vị đạt yêu cầu, các đơn vị còn lại mới đạt khoảng 20%.

Kiến nghị chuyển đổi sổ đỏ từ bản giấy sang bản điện tử

Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thành ủy TP.HCM về việc chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ hình thức giấy sang dạng điện tử.

Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, việc số hóa sổ đỏ sẽ tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai một cách hệ thống. Cụ thể, các thửa đất sẽ được định danh bằng mã số, liên kết với tờ bản đồ địa chính và tích hợp cùng số căn cước công dân của chủ sở hữu.

Điều kiện sang tên sổ đỏ thay đổi ra sao từ năm 2025

Đề xuất này không chỉ hướng đến hiện đại hóa công tác quản lý đất đai mà còn góp phần tạo nền dữ liệu phục vụ quy hoạch, xây dựng, thu thuế bất động sản, hạn chế tình trạng làm giả sổ đỏ. Kiến nghị phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024 về việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Viện cho rằng đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu thế chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý và phát triển kinh tế.

Phấn đấu hoàn thành sáp nhập cấp tỉnh trước ngày 15/8

Theo kết luận ngày 25/5, Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương hoàn tất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 15/8, sớm hơn nửa tháng so với kế hoạch trước đó. Cấp xã sau sáp nhập phải đi vào hoạt động từ ngày 1/7, đồng thời chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ và thủ tục hành chính từ cấp huyện về xã.

21 tỉnh thành sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính từ 1/12/2024 - CafeLand.Vn...

Bộ Chính trị nhấn mạnh cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình sắp xếp nhân sự, xử lý nghiêm các vi phạm. Việc bố trí cán bộ và xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp phải do các Ủy viên Bộ Chính trị phối hợp cùng bí thư tỉnh ủy, thành ủy địa phương thực hiện, tránh tư tưởng cục bộ và lợi ích nhóm.

Bộ Nội vụ phải hoàn thành hướng dẫn chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã trước 15/6 và trình các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền hai cấp. Dự kiến, sau sáp nhập, cả nước sẽ giảm hơn 249.000 biên chế và người hoạt động không chuyên trách, với tổng kinh phí chi trả thôi việc, nghỉ hưu sớm khoảng 128.480 tỷ đồng cho giai đoạn 2025 - 2030.

Việt Nam ký thỏa thuận xuất khẩu điện sạch sang Malaysia và Singapore

Chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore. Sự kiện diễn ra bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong liên kết năng lượng khu vực.

Thủ tướng ba nước Việt Nam - Malaysia - Singapore chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác về xuất khẩu điện, ngày 26/5. Ảnh: VGP
Thủ tướng ba nước Việt Nam - Malaysia - Singapore chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác về xuất khẩu điện, ngày 26/5. Ảnh: VGP

Thỏa thuận được ký giữa các tập đoàn năng lượng hàng đầu của ba nước: Liên danh Năng lượng Malaysia (gồm Tenaga Nasional Berhad và Petronas), Tổng công ty PTSC (thành viên của Petrovietnam) và Sembcorp Utilities (Singapore). Các bên thống nhất nghiên cứu khả thi việc xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore qua cáp ngầm, đồng thời bổ sung hệ thống lưu trữ để đảm bảo ổn định nguồn cung.

Việt Nam hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, thúc đẩy phát triển xanh và giảm phát thải. Hợp tác ba bên không chỉ mở ra cơ hội kinh tế mới, mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về lưới điện ASEAN bền vững và kết nối khu vực sâu rộng hơn.

TP.HCM có thể hụt thu 33.000 tỷ đồng mỗi năm nếu chia sẻ 30% nguồn thu từ đất

Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Ngân sách (sửa đổi) với đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và địa phương. Theo dự thảo, các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… thay vì được giữ toàn bộ nguồn thu từ tiền sử dụng và cho thuê đất như hiện nay, có thể chỉ giữ lại 70 - 80%, phần còn lại nộp về trung ương.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng quy định này sẽ khiến TP.HCM hụt thu hơn 33.000 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm như hệ thống đường sắt đô thị trị giá 40 tỷ USD. Ông đề nghị tạm thời chưa áp dụng trong 10 năm tới, hoặc chỉ điều tiết 5 - 10%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề xuất vẫn giữ lại 100% nguồn thu từ đất cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhằm bảo đảm nguồn lực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp thu và trình Quốc hội phương án tỷ lệ phù hợp trong năm 2026 khi luật chính thức có hiệu lực.

Hưng Nhật