Nhà lãnh đạo cần trở thành người điều phối trí tuệ tập thể
“Lãnh đạo kiểu cũ - nơi một người ra quyết định, kiểm soát toàn bộ và không lắng nghe đã không còn hiệu quả. Trong thời đại mới, nhà lãnh đạo cần trở thành người điều phối trí tuệ tập thể, xây dựng niềm tin nội bộ và truyền cảm hứng hành động có ý nghĩa".
Đây là một trong những thông điệp do bà Claudine Haenni - Cựu cố vấn cấp cao của Liên Hợp Quốc tại New York, Giám đốc tổ chức Bridging Changes chia sẻ tại buổi tọa đàm “Leadership in Practice” diễn ra ngày 25/5 ở Hà Nội.

Chương trình quy tụ hơn 30 lãnh đạo trẻ xuất sắc đến từ các tổ chức, doanh nghiệp và lĩnh vực phát triển cộng đồng trên toàn quốc. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực chính sách nhân đạo và phát triển lãnh đạo, bà Claudine Haenni mang đến những góc nhìn sắc sảo về sự dịch chuyển của thế giới, cách lãnh đạo trong kỷ nguyên VUCA (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ) và BANI (giòn mỏng, lo âu, phi tuyến tính, khó đoán).
Chương trình diễn ra sôi nổi với sự tham gia thảo luận giữa các diễn giả và học viên về những nội dung then chốt, gồm: Phân biệt Boss - Manager - Leader, định vị rõ vai trò, phẩm chất và tư duy cần thay đổi. Bên cạnh đó, các học viên còn được tiếp cận bộ công cụ phát triển 3 năng lực lõi: Lãnh đạo bản thân (Leading Self); Lãnh đạo đội ngũ (Leading Others); Lãnh đạo trong thay đổi (Leading in Change).

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, bà Neichu Mayer - Phu nhân Đại sứ Israel, người đóng vai trò tích cực kết nối hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và phát triển lãnh đạo bày tỏ:
“Tôi rất xúc động khi chứng kiến các lãnh đạo trẻ Việt Nam dấn thân học hỏi với tinh thần mở và khao khát phát triển. Đây là một không gian hiếm có, nơi những giá trị lãnh đạo toàn cầu có thể được gieo trồng tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá rất cao sứ mệnh của Viện ABG và mong muốn đồng hành sâu rộng trong tương lai".
Buổi tọa đàm không chỉ mang đến nguồn cảm hứng sâu sắc, mà còn mở ra cơ hội để các lãnh đạo trẻ nhìn nhận lại vai trò lãnh đạo của bản thân, chuyển từ vị trí quản lý sang hình mẫu của người tiên phong dẫn dắt sự thay đổi.

Thuộc thế hệ Gen Z, chị Trần Diệu Linh - Chuyên viên nhân sự đối ngoại tại Công ty TNHH Asilla Việt Nam đang từng bước khẳng định mình trên hành trình trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ. Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, chị cho biết, chương trình “như một tấm gương”, phản chiếu những khía cạnh còn thiếu trong hành trình phát triển bản thân mà trước đây chị chưa từng để ý đến.
“Tôi nhận ra rằng, lãnh đạo không còn là việc nắm quyền hay ra lệnh, mà là khả năng tạo ảnh hưởng, khơi dậy tiềm năng cho đội ngũ và dám thay đổi chính mình trước tiên”, chị Linh nói.

Tương tự, bà Phạm Minh Thu - Giám đốc một trường quốc tế ở Hà Nội cho biết, tọa đàm gợi mở nhiều chất liệu quý giá cho cá nhân bà Thu và các nhà lãnh đạo trong giai đoạn nhiều biến động hiện tại, nhất là tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo, thích ứng trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng.
“Tôi nghĩ rằng lãnh đạo cần làm gương, không chỉ trong công việc mà văn hóa ứng xử hằng ngày. Buổi tọa đàm khiến tôi nhận ra, lãnh đạo không phải là người có tất cả câu trả lời, giải pháp cho mọi vấn đề, mà là đặt được câu hỏi đúng và cùng đội ngũ học hỏi, đổi mới mỗi ngày”, bà Thu chia sẻ.
Tọa đàm “Leadership in Practice” do Viện Lãnh đạo ABG phối hợp cùng tổ chức quốc tế Bridging-Changes (Thụy Sĩ) và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức. Sự kiện là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình quốc tế hóa giáo dục lãnh đạo tại Việt Nam, mở đường cho các chương trình đào tạo chuyên sâu và kết nối quốc tế sắp tới do Viện ABG triển khai.