Nippon Steel mua U.S. Steel: Đầu tư chiến lược hay thách thức chủ quyền kinh tế Mỹ?
Thỏa thuận trị giá 14,9 tỷ USD giữa Nippon Steel và U.S. Steel không chỉ là một thương vụ M&A quy mô lớn trong ngành thép, mà đang trở thành phép thử cho chính sách đầu tư nước ngoài của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt và xu hướng bảo hộ gia tăng.
Ngay từ khi công bố kế hoạch mua lại U.S. Steel với giá 14,9 tỷ USD vào cuối năm 2023, Nippon Steel đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Mỹ. Công đoàn ngành thép, một số nghị sĩ và dư luận lo ngại, một trong những biểu tượng công nghiệp Mỹ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, sẽ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden từng tỏ ý không ủng hộ, viện dẫn lý do “đe dọa an ninh chiến lược” và yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump tái đắc cử vào đầu năm 2025, thương vụ được đưa vào diện xem xét lại.
Báo cáo đánh giá của CFIUS đã hoàn tất và trình lên Tổng thống, trong đó phản ánh quan điểm đầy đủ của các cơ quan như Lầu Năm Góc, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ An ninh Nội địa. Dù chưa công bố chi tiết, đây sẽ là căn cứ quyết định số phận sống còn của thương vụ.
Trước áp lực chính trị ngày càng lớn, Nippon Steel đã đưa ra gói đầu tư bổ sung trị giá 14 tỷ USD, bao gồm: 11 tỷ USD để nâng cấp nhà máy và hạ tầng tại nhiều bang Mỹ; 4 tỷ USD xây dựng một nhà máy luyện thép mới (1 tỷ USD ban đầu, 3 tỷ USD mở rộng); cam kết giữ trụ sở chính U.S. Steel tại Pittsburgh, tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận lao động, không sa thải công nhân.
Chiến lược của Nippon Steel không tập trung vào vận động hành lang hay áp lực chính trị, mà hướng đến việc chứng minh giá trị nội địa thực chất: tạo việc làm, nâng cấp hạ tầng, gắn bó lâu dài với nền công nghiệp Mỹ. Nếu thương vụ bị từ chối, Nippon Steel sẽ phải trả phí phá vỡ hợp đồng 565 triệu USD và có nguy cơ bị áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép xuất sang Mỹ - một cú đánh mạnh vào chiến lược toàn cầu của tập đoàn.
Thương vụ Nippon Steel - U.S. Steel không chỉ là chuyện giữa hai doanh nghiệp, mà phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn: toàn cầu hóa đang dịch chuyển sang mô hình “bảo hộ có điều kiện”. Quốc tịch doanh nghiệp giờ đây không còn là vấn đề duy nhất, thay vào đó là mức độ cam kết đầu tư nội địa, giữ việc làm và hỗ trợ phát triển kinh tế bản địa.
Nhiều chuyên gia đánh giá nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những hình mẫu đầu tiên của M&A “hậu toàn cầu hóa” - nơi các công ty nước ngoài có thể đầu tư vào Mỹ nếu chứng minh được họ góp phần vào lợi ích quốc gia một cách rõ ràng và bền vững.
Cổ phiếu U.S. Steel đã tăng 3,1% ngay sau khi thông tin về gói đầu tư bổ sung được công bố, cho thấy thị trường nhìn nhận tích cực về cam kết mới của Nippon Steel. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo vẫn cần chờ quyết định cuối cùng từ Tổng thống Trump - người từng có lập trường bảo hộ mạnh mẽ, nhưng cũng sẵn sàng ủng hộ đầu tư nếu thấy “có lợi cho nước Mỹ”.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tái cấu trúc và các rào cản kinh tế gia tăng, các thương vụ M&A quốc tế ngày càng phải vượt qua ranh giới mềm giữa thương mại và chính trị. Nippon Steel không chỉ mua lại U.S. Steel mà đang mua sự tin tưởng từ công nhân, thị trường và chính quyền Mỹ. Thương vụ này sẽ không chỉ được nhớ đến vì con số 14,9 tỷ USD, mà còn vì câu hỏi lớn hơn: Liệu một công ty nước ngoài có thể trở thành một phần của “giấc mơ Mỹ” hay không?
Nippon Steel hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản và đứng thứ tư thế giới về sản lượng, doanh thu của tập đoàn đạt 8.695,5 tỷ yên (khoảng 60,5 tỷ USD) trong năm tài chính 2024, giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sang quý I/2025, lợi nhuận ròng của Nippon Steel giảm đáng kể do ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ và áp lực cạnh tranh từ thép giá rẻ. Tập đoàn ghi nhận mức lợi nhuận ước tính khoảng 200 tỷ yên (1,38 tỷ USD), giảm gần 43% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy thách thức ngày càng lớn trong việc duy trì lợi nhuận tại các thị trường xuất khẩu chiến lược.