Tài chính - Ngân hàng

Gần 157 triệu thẻ ngân hàng đang được lưu hành

Nguyễn An 26/05/2025 - 15:16

Người Việt sở hữu gần 157 triệu thẻ ngân hàng, trong đó bao gồm gần 107 triệu thẻ nội địa và 50 triệu thẻ thanh toán quốc tế đang lưu hành, tăng mạnh so với cuối năm ngoái.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối quý I, người Việt đang sở hữu khoảng 156,7 triệu thẻ ngân hàng còn hiệu lực, tăng thêm 1 triệu thẻ so với cuối năm 2024. Số lượng thẻ lưu hành hiện nay cao gần gấp rưỡi so với 4 năm trước.

Trong đó, thẻ thanh toán quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong quý đầu năm, các tổ chức tín dụng đã phát hành thêm khoảng 1,8 triệu thẻ quốc tế, nâng tổng số lên 50,2 triệu thẻ, gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021.

Ngược lại, việc phát hành thẻ nội địa có dấu hiệu chững lại. Tổng số thẻ thanh toán trong nước hiện ở mức khoảng 107 triệu thẻ, giảm 700.000 thẻ so với cuối năm trước và là mức thấp nhất trong vòng một năm qua.

Giao dịch thẻ (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, gửi tiết kiệm...) thông qua ATM cũng giảm nhẹ trong giai đoạn đầu năm. Người dân đã thực hiện hơn 183 triệu giao dịch với tổng giá trị 662.800 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng so với quý cuối năm ngoái.

the-tu.jpeg
Cả nước hiện có gần 107 triệu thẻ nội địa và 50 triệu thẻ thanh toán quốc tế đang lưu hành

Trong khi đó, giao dịch qua Internet và Mobile banking tiếp tục bùng nổ. Có tới 4,47 tỷ giao dịch điện tử được thực hiện trong 3 tháng đầu năm, với tổng giá trị vượt 41,8 triệu tỷ đồng, cho thấy người dân có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang các kênh ngân hàng số.

Theo quy định, các tổ chức được phép phát hành thẻ bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính tiêu dùng.

Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên có thể mở thẻ ghi nợ, tín dụng hoặc thẻ trả trước. Trẻ từ 6 đến 15 tuổi cũng có thể sở hữu thẻ phụ nếu được người giám hộ đồng ý. Các thẻ không phát sinh giao dịch chủ động từ 6 đến 48 tháng được các ngân hàng xếp vào diện “ngủ quên” hoặc “ngủ đông”.

Trong thời gian này, tài khoản vẫn được tính lãi không kỳ hạn nếu duy trì số dư tối thiểu, nhưng vẫn bị trừ các khoản phí định kỳ như: phí quản lý, phí duy trì hoặc phí thường niên. Các khoản phí này dao động từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng, tùy loại thẻ và chính sách ngân hàng.

Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/7/2025, khách hàng tổ chức sẽ không thể thực hiện các giao dịch thanh toán, rút tiền qua kênh điện tử nếu chưa hoàn tất xác thực thông tin và sinh trắc học cho người đại diện hợp pháp.

Các ngân hàng đã gửi thông báo đến khách hàng, khuyến nghị thực hiện đối chiếu dữ liệu qua căn cước công dân gắn chip, VNeID hoặc xác thực trực tiếp tại chi nhánh. Người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức có thể thực hiện đối chiếu sinh trắc học và giấy tờ tùy thân ngay trên ứng dụng ngân hàng. Sau khi đăng nhập, hệ thống sẽ hiển thị đề nghị đồng bộ các thông tin đã lưu.

Đây là một phần trong chiến lược đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính số, trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng.

Nguyễn An