Quản trị công nghệ

An ninh mạng và chuyển đổi số: Trụ cột mới trong quan hệ Singapore - Nhật Bản

Quang Chiến 26/05/2025 - 15:10

Trong bối cảnh công nghệ toàn cầu đang chịu tác động mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử, Singapore và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực an ninh mạng và chuyển đổi số. Đây là một trong 5 trụ cột chiến lược nhằm định hình quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế công nghệ hàng đầu châu Á, hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với The Japan Times, Đại sứ Singapore tại Tokyo ông Ong Eng Chuan nhấn mạnh, an ninh mạng không chỉ là vấn đề kỹ thuật đơn thuần, mà là nền tảng cho sự tin cậy giữa các nền kinh tế số. Trong bối cảnh các nền tảng dữ liệu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật số ngày càng phức tạp, các quốc gia cần phải chủ động xây dựng các liên minh chiến lược trên không gian mạng.

469953.jpeg
Đại sứ Singapore Ong Eng Chuan hy vọng Singapore sẽ “hợp tác chặt chẽ” với Nhật Bản trong lĩnh vực điện toán lượng tử

Ông Ong nhận định, trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chủ đạo hiện nay, thì công nghệ lượng tử, đặc biệt là mật mã hậu lượng tử (post-quantum cryptography) sẽ là thách thức lớn tiếp theo cho các mô hình bảo mật truyền thống. Đây là lĩnh vực mà cả Singapore và Nhật Bản đều đã đầu tư nghiên cứu và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác. Mật mã hậu lượng tử là thuật toán mã hóa được thiết kế nhằm chống lại các cuộc tấn công từ cả máy tính truyền thống và máy tính lượng tử, được đánh giá sẽ tái định hình toàn bộ cấu trúc an toàn thông tin toàn cầu trong vòng 10 năm tới.

Quan điểm của Singapore phản ánh một xu thế rõ nét: chuyển từ cách tiếp cận "ứng phó công nghệ" sang "định hình công nghệ". Các quốc gia không chỉ là người tiêu dùng công nghệ mà phải trở thành đối tác thiết kế chính sách, tiêu chuẩn và kiến trúc hệ thống.

Singapore đang nổi lên như một trung tâm điều phối chính sách số trong khu vực thông qua các sáng kiến như Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA). DEPA thiết lập các khung pháp lý chung cho thương mại số, giúp các doanh nghiệp Singapore kết nối dễ dàng hơn với đối tác quốc tế, giảm chi phí hoạt động và tăng hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, Nhật Bản đang đẩy mạnh chương trình "Xã hội 5.0", coi chuyển đổi số là trụ cột cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Việc hợp tác với Singapore, quốc gia vốn có năng lực điều tiết công nghệ tốt và hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, sẽ giúp Nhật Bản gia tăng khả năng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Sự hợp tác giữa hai quốc gia không chỉ dừng lại ở cấp chính phủ. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là kết nối các tầng lớp chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ và viện nghiên cứu để hình thành “mạng lưới tin cậy số” giữa hai nền kinh tế. Đây là nền tảng cho mọi trao đổi dữ liệu xuyên biên giới, phát triển AI có đạo đức và bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số trong bối cảnh các rủi ro phi truyền thống đang gia tăng.

Bối cảnh toàn cầu đang đặt ra yêu cầu mới cho các mô hình hợp tác: thay vì chỉ tập trung vào thương mại, các quốc gia cần ưu tiên các liên kết chiến lược về công nghệ lõi và hạ tầng số. Hợp tác Singapore - Nhật Bản, nếu được nâng tầm đúng mức, có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia định vị lại vai trò trong trật tự số, không chỉ để theo kịp công nghệ, mà để cùng kiến tạo luật chơi.

Quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Singapore duy trì ổn định và mang tính chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản sang Singapore đạt 19,82 tỷ USD, với các mặt hàng chủ lực gồm mạch tích hợp (3,58 tỷ USD), vàng (2,03 tỷ USD) và xăng dầu tinh chế (1,65 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, Singapore xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 17,74 tỷ USD, chủ yếu là sản phẩm điện tử, máy móc, hóa chất và thiết bị công nghiệp. Cơ cấu thương mại giữa hai nước thể hiện sự bổ sung lẫn nhau, trong đó Nhật Bản đóng vai trò cung cấp công nghệ và năng lượng, còn Singapore giữ vai trò trung tâm tái xuất và phân phối trong khu vực.

Quang Chiến