Bình luận

EU mở điều tra chống bán phá giá lốp xe từ Trung Quốc

Quang Chiến 22/05/2025 - 16:02

Ngày 21/5, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm lốp xe du lịch và xe tải nhẹ nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu một bước đi mạnh mẽ tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất nội khối trước nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi EC nhận được đơn khiếu nại chính thức từ các doanh nghiệp sản xuất lốp xe trong EU. Theo EC, mục tiêu của cuộc điều tra là xác minh liệu các sản phẩm lốp xe Trung Quốc có đang được bán tại thị trường châu Âu với mức giá thấp hơn giá trị thực tế và liệu điều này có gây thiệt hại vật chất hoặc đe dọa đến sự tồn tại của ngành sản xuất trong khu vực hay không.

“Chúng tôi đang đánh giá một cách khách quan và dựa trên dữ liệu thực tế. Nếu phát hiện có bằng chứng xác thực về hành vi bán phá giá, các biện pháp thuế chống bán phá giá sẽ được xem xét áp dụng, nhưng luôn phải cân nhắc trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung của EU”, thông cáo từ EC nêu rõ.

Theo quy trình điều tra của EC, thời gian điều tra dự kiến kéo dài 14 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ về hành vi bán phá giá và tác động tiêu cực, các biện pháp phòng vệ bao gồm áp thuế chống bán phá giá tạm thời và có thể được triển khai sau 8 tháng kể từ thời điểm mở điều tra.

Cuộc điều tra mới này được đánh giá là động thái mở rộng đáng chú ý, nối tiếp các biện pháp đã được EC áp dụng trước đó đối với mặt hàng lốp xe buýt và xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng trong nội bộ EU về tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng, đặc biệt khi Trung Quốc vẫn đang duy trì các chính sách hỗ trợ xuất khẩu mạnh tay trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

10339384.jpeg
Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussel, Bỉ

Theo ước tính, thị trường lốp xe ô tô con và xe tải nhẹ tại EU trong năm 2024 đạt quy mô hơn 18 tỷ euro (tương đương khoảng 20,41 tỷ USD). Đây là một trong những phân khúc chiến lược trong chuỗi cung ứng ngành ô tô của châu Âu, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đồng thời đóng góp đáng kể vào GDP của các quốc gia thành viên như Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Giới quan sát cho rằng, nếu không có biện pháp bảo vệ thích hợp, ngành sản xuất lốp xe EU có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng trước sức ép giá cả từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Các doanh nghiệp EU hiện đang phải đối mặt với chi phí lao động và môi trường cao hơn, đồng thời chịu các quy định khắt khe về khí thải và nguyên liệu đầu vào, yếu tố khiến sản phẩm nội địa khó cạnh tranh về giá so với hàng từ Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về cuộc điều tra. Tuy nhiên, các động thái gần đây từ Bắc Kinh cho thấy chính phủ nước này vẫn tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, trong bối cảnh nền kinh tế đang tìm kiếm động lực phục hồi hậu đại dịch.

Cuộc điều tra lần này có thể là khởi đầu cho một giai đoạn gia tăng căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Brussels đang siết chặt các chính sách phòng vệ thương mại nhằm ứng phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ đến từ châu Á.

Với việc các biện pháp phòng vệ thương mại đang được sử dụng ngày càng phổ biến, câu hỏi đặt ra là liệu các chính sách này có thể giúp EU bảo vệ công nghiệp nội địa mà không làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô, những đối tượng có thể chịu tác động gián tiếp từ thuế nhập khẩu lốp xe.

Quang Chiến