Chiến lược chinh phục thị trường Thái Lan: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
Thị trường Thái Lan, với dân số hơn 70 triệu người và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Để chinh phục thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng linh hoạt với xu thế tiêu dùng hiện đại và vượt qua các rào cản kỹ thuật ngày một khắt khe.
Tại hội thảo “Thách thức, cơ hội và tiềm năng khi xuất khẩu vào thị trường Thái Lan” tổ chức ngày 22/5 tại TP.HCM, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác hiệu quả các lợi thế địa lý và hạ tầng giao thông giữa Việt Nam và Thái Lan thông qua các hành lang kinh tế Đông - Tây và phía Nam.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khi Việt Nam giữ vị trí đối tác lớn thứ hai của Thái Lan tại khu vực. Hai quốc gia đã và đang tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại như ATIGA và RCEP để thúc đẩy dòng chảy thương mại, giảm thuế quan và xây dựng chuỗi cung ứng khu vực.
Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2024 đạt 20,26 tỷ USD, tăng 6,36% so với năm 2023.
Trong quý I/2025, con số này tiếp tục tăng ấn tượng, đạt 5,17 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước. Hai bên đang hướng tới mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời triển khai chiến lược “Ba kết nối” gồm: kết nối chuỗi cung ứng, kết nối sản xuất và kết nối phân phối.
Dù là thị trường giàu tiềm năng, Thái Lan cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, quy cách bao bì, nhãn mác, cũng như quy trình thủ tục nhập khẩu. Theo bà Hồ Thị Quyên, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng cải tiến sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và không ngừng cập nhật xu hướng tiêu dùng để thích nghi nhanh chóng với thị trường.
Một số rào cản phổ biến bao gồm: cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nội địa, yêu cầu cao về kiểm định chất lượng, giấy phép nhập khẩu thực phẩm từ FDA Thái Lan, cũng như các chứng nhận kiểm dịch đối với nông sản tươi.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, thông qua sự kiện “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan”, gần 500 doanh nghiệp Việt đã có cơ hội trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Thái Lan. Sự kiện thường niên này, dưới sự phối hợp của Bộ Công Thương, ITPC và Central Retail, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cầu nối thương mại hiệu quả giữa hai quốc gia.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông sản như vải thiều, nhãn, thanh long... đã thiết lập được vị thế tại Thái Lan thông qua hệ thống phân phối hiện đại của Central Group.
Năm 2024, lần đầu tiên “Tuần lễ hàng Việt Nam” được tổ chức tại tỉnh Udon Thani - nơi có cộng đồng kiều bào Việt Nam đông đảo. Đây không chỉ là dịp quảng bá văn hóa, mà còn là cơ hội mở rộng thị phần hàng Việt tại khu vực Đông Bắc Thái Lan.
Ngoài ra, việc ký kết chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central Group giai đoạn 2026 - 2028 là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt không chỉ tại Thái Lan mà còn vươn xa đến các thị trường quốc tế.
Ông Chailermchai Pornsiripiyakool - Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Quốc tế và Phát triển bền vững của Central Retail nhận định rằng: bao bì đóng vai trò rất lớn trong việc thu hút người tiêu dùng Thái.
Doanh nghiệp Việt cần chú trọng thiết kế bao bì hiện đại, thân thiện với môi trường, tuân thủ quy định nhãn mác quốc tế và đồng thời khai thác hiệu quả các chương trình tiếp thị khuyến mãi theo mùa.
Ông cũng cho biết, các sản phẩm như hải sản, khoai lang, cà phê, gia vị và thanh long đang có tiềm năng lớn tại Thái Lan nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nhập khẩu và thị hiếu người tiêu dùng bản địa.

Để hợp tác với Central Retail, doanh nghiệp cần chuẩn bị bộ hồ sơ chuyên nghiệp gồm giấy phép kinh doanh, chứng nhận chất lượng, báo giá sản phẩm và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc.
Ông Đỗ Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển P&K cho biết: trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tự nhiên và thân thiện với môi trường, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội này để khẳng định thương hiệu.
Thông qua các chương trình kết nối, P&K đã nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường quốc tế, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp, thảo dược và gia công nhãn hàng riêng cho đối tác.
TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn, đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường Thái Lan cũng như mở rộng ra các quốc gia ASEAN. Sự kết hợp giữa chủ trương chính sách, nỗ lực doanh nghiệp và đồng hành từ các tập đoàn bán lẻ lớn sẽ là bệ phóng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam vươn xa.