Bình luận

Thái Lan lên kế hoạch cắt giảm mạnh thặng dư thương mại với Mỹ

Quang Chiến 21/05/2025 - 10:33

Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến một loạt biện pháp điều chỉnh chính sách thương mại, hướng đến mục tiêu giảm 15 tỷ USD trong thặng dư thương mại với Mỹ. Động thái này được xem là bước đi chủ động nhằm tránh các biện pháp thuế quan cao mà chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể áp đặt trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị của Phòng Thương mại Mỹ diễn ra tại Bangkok ngày 20/5, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết: "Chính phủ Thái Lan cam kết biến các sáng kiến chống lách luật thương mại thành hành động cụ thể, nhằm hướng đến một quan hệ đối tác công bằng và bền vững trong thương mại và đầu tư với Mỹ".

c1_2907052.jpeg
Các container hàng hóa xếp chồng lên nhau tại kho bãi Cảng vụ Thái Lan.

Theo ông Pichai, mức cắt giảm này tương đương gần 1/3 tổng thặng dư thương mại song phương, hiện ở mức khoảng 46 tỷ USD trong năm 2024. Một số đề xuất cụ thể đã được phía Thái Lan gửi tới chính quyền Mỹ, trong đó bao gồm các giải pháp xử lý tình trạng chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc, tháo gỡ rào cản thuế quan và phi thuế quan, đồng thời đẩy mạnh đầu tư hai chiều.

Thái Lan cũng đang đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa quy trình cấp “giấy chứng nhận xuất xứ” và mở rộng danh mục sản phẩm công nghiệp thuộc diện giám sát, nhằm siết chặt kiểm soát nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh những điều chỉnh chính sách thương mại, Thái Lan đã tạm dừng xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực có nguy cơ dư thừa nguồn cung hoặc tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, các đề xuất đầu tư mới sẽ được giám sát chặt chẽ để đảm bảo “các quy trình sản xuất thiết yếu” thực sự được thực hiện trong nước, thay vì chỉ đơn thuần là tái xuất.

Về đầu tư đối ngoại, Thái Lan cũng đang mở rộng tìm hiểu và xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, công nghệ số, hạ tầng cơ sở, du lịch y tế và công nghiệp sáng tạo.

Bà Nalinee Taveesin - Chủ tịch Văn phòng Đại diện Thương mại Thái Lan, tiết lộ rằng các doanh nghiệp Thái có thể đầu tư ít nhất 2 tỷ USD vào Mỹ trong thời gian tới. Đồng thời, Bangkok cũng thể hiện sự quan tâm đến một dự án đường ống dẫn khí quy mô lớn tại Alaska, do chính quyền ông Trump hậu thuẫn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa rõ ràng về lộ trình đàm phán, tâm lý chờ đợi đang bao trùm khu vực kinh tế tư nhân Thái Lan.

Ông Danucha Pichayanan - Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Xã hội và Kinh tế Quốc gia Thái Lan (NESDC), cho biết cơ quan này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống còn 1,3 - 2,3%, giảm so với mức 2,3 - 3,3% đưa ra trước đó. Nguyên nhân chủ yếu đến từ biến động chính sách thuế quan từ Mỹ và sự sụt giảm lượng khách du lịch, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Trong quý I/2025, kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ kỳ vọng các biện pháp cải cách chính sách hiện tại sẽ giúp nước này duy trì đối thoại tích cực với Mỹ trong thời gian tạm hoãn áp thuế 90 ngày, vốn sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 7 tới.

Quang Chiến