Bản tin tổng hợp

Tuyến Metro số 2 hơn 2 tỷ USD tại TP.HCM: Liên danh trong nước đề xuất đảm nhận vai trò tổng thầu EPC

Hùng Nguyễn 20/05/2025 - 14:24

Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), có tổng chiều dài hơn 11 km và đi qua 6 quận nội thành TP.HCM, dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2025. Đáng chú ý, một liên danh doanh nghiệp trong nước đã chính thức đề xuất đảm nhận vai trò tổng thầu EPC cho dự án quan trọng này.

Liên danh gồm ba đơn vị có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp nặng: Tập đoàn Đại Dũng, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát, gọi tắt là Liên danh DCH. Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Liên danh DCH bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện nghiên cứu và tham gia thi công các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn, đặc biệt là tuyến Metro số 2.

Theo Liên danh DCH, các thành viên trong liên danh sở hữu nền tảng kỹ thuật vững chắc, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu, kết cấu thép, giải pháp thi công kỹ thuật cao và đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC cho các công trình ngầm quy mô lớn.

Đáng chú ý, các đơn vị này đã từng tham gia xây dựng hai nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1 (ga Ba Son và Nhà hát Thành phố) cũng như depot Long Bình, trung tâm điều hành và bảo dưỡng của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo Nghị quyết 188 của Quốc hội, TP.HCM được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các nhà thầu tư vấn, phi tư vấn và nhà thầu EPC, mở ra cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào các dự án hạ tầng trọng điểm.

Tuyến Metro số 2 dự kiến đi qua sáu quận gồm quận 1, quận 3, quận 10, quận 12, quận Tân Bình và quận Tân Phú. Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD (tương đương 26.000 tỷ đồng). Đến năm 2019, sau nhiều điều chỉnh, tổng vốn đầu tư tăng lên hơn 2 tỷ USD (khoảng 47.900 tỷ đồng).

Nguồn vốn ban đầu chủ yếu đến từ các khoản vay ODA của ba tổ chức tài chính quốc tế: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Tuy nhiên, do tiến độ kéo dài, các điều kiện cấp vốn từ các nhà tài trợ không còn phù hợp. Sau quá trình thương thảo, các bên thống nhất chấm dứt tài trợ đối với gói thầu CS2B và toàn bộ dự án.

Trước bối cảnh này, chính quyền TP.HCM đã quyết định chuyển toàn bộ nguồn vốn của dự án sang ngân sách nhà nước để chủ động triển khai.

Phối cảnh Metro số 2 đoạn đi ngầm qua công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, TPHCM). Ảnh: MAUR
Phối cảnh Metro số 2 đoạn đi ngầm qua công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM). Ảnh: MAUR

Hiện nay, các thủ tục liên quan đang được TP.HCM đẩy nhanh nhằm đảm bảo tiến độ khởi công vào tháng 12/2025. Dự kiến, đến tháng 6/2025, thành phố sẽ hoàn tất khảo sát và lập thiết kế tổng thể (FEED) cũng như hồ sơ nghiên cứu khả thi.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được thẩm định vào tháng 8/2025 và trình UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 9/2025. Công tác lựa chọn nhà thầu dự kiến tiến hành trong tháng 10/2025, mở đường cho việc phát lệnh khởi công vào tháng 12/2025.

Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2030, trở thành tuyến đường sắt đô thị thứ hai tại TP.HCM sau tuyến Metro số 1 đã đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2024.

Khi đi vào hoạt động, tuyến Metro số 2 sẽ kết nối khu vực trung tâm thành phố với phía Tây Bắc, góp phần giảm tải giao thông cho các tuyến đường huyết mạch như Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và Cộng Hòa, qua đó nâng cao chất lượng hệ thống giao thông đô thị và năng lực cạnh tranh của thành phố.

Theo kế hoạch đến năm 2035, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355 km, nhằm đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.

Giai đoạn tiếp theo từ 2035 đến 2045, mạng lưới metro sẽ tiếp tục được mở rộng thêm 155 km, nâng tổng chiều dài toàn hệ thống lên 510 km.

Hùng Nguyễn