Trung Quốc không còn là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ
Lần đầu tiên kể từ đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc không còn là quốc gia nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn thứ hai, nhường vị trí này cho Vương quốc Anh.
Theo dữ liệu từ các ngân hàng và trung tâm lưu ký tại Mỹ, tính đến cuối tháng 3, Trung Quốc nắm giữ 765 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, giảm so với mức 784 tỷ USD trong tháng trước đó. Trong khi đó, giá trị nắm giữ của Anh đã tăng gần 30 tỷ USD, đạt mức 779 tỷ USD.
Sự thay đổi này đưa Anh trở thành chủ nợ lớn thứ hai của Chính phủ Mỹ, chỉ sau Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2000, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ do Anh nắm giữ vượt qua Trung Quốc, phản ánh xu hướng Bắc Kinh đang chủ động đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc vào các tài sản tài chính của Mỹ.

“Trung Quốc đang từ từ giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ – một lời cảnh báo gửi tới Washington”, bà Alicia García-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định với tờ Financial Times. “Tín hiệu này đã xuất hiện từ nhiều năm trước, không phải là điều đột ngột”.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh tình hình tài chính của Mỹ đang đối mặt nhiều thách thức. Trước đó, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Ratings đã hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ, theo sau các động thái tương tự từ Fitch Ratings và S&P, do lo ngại về mức nợ công và thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng.
Từ mức đỉnh hơn 1.300 tỷ USD vào năm 2011, Trung Quốc đã liên tục giảm tỷ trọng trái phiếu kho bạc Mỹ trong danh mục dự trữ và chuyển hướng sang các tài sản khác như trái phiếu do các doanh nghiệp được chính phủ Mỹ bảo lãnh hoặc các cơ quan liên bang phát hành, cũng như vàng. Ngoài ra, diễn biến này còn phản ánh các chuyển động thị trường và chiến lược đầu tư dài hạn của Bắc Kinh.
Một yếu tố cần lưu ý là việc Trung Quốc có thể đang nắm giữ tài sản tài chính Mỹ thông qua các tổ chức lưu ký của bên thứ ba như Euroclear tại Bỉ hoặc Clearstream tại Luxembourg, khiến con số thực tế có thể cao hơn thống kê chính thức. Trong tháng 3, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ tại Luxembourg không thay đổi, còn lượng nắm giữ được báo cáo tại Mỹ lại tăng thêm 7,4 tỷ USD so với tháng 2.
Khối lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc tích lũy được là kết quả của nhiều thập kỷ thặng dư thương mại với Mỹ. Việc giảm thặng dư thương mại với Trung Quốc từng là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc các chủ nợ nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu có thể đẩy lợi suất tăng cao, làm gia tăng chi phí vay mượn của chính phủ Mỹ.
Đáng chú ý, trong tháng 3, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn, loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2009. Ông Brad Setser, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) và cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét: “Dựa trên dữ liệu hiện có, không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc đang rút ngắn kỳ hạn danh mục đầu tư tài sản Mỹ”.
Đối với Anh, việc gia tăng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ không phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu dự trữ ngoại hối, mà chủ yếu thể hiện vai trò của Anh là trung tâm lưu trữ dòng vốn quốc tế. Tại châu Âu, các tổ chức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ bao gồm công ty bảo hiểm, ngân hàng, tổ chức lưu ký và một số quỹ phòng hộ chuyên thực hiện các chiến lược giao dịch chênh lệch giá.
Theo ông Setser, số liệu của Anh “có thể phản ánh việc các ngân hàng toàn cầu hoạt động tại Anh gia tăng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng thời là kết quả từ hoạt động của các tổ chức lưu ký và quỹ phòng hộ tại London”.
Tuy nhiên, các số liệu nêu trên chỉ tính đến cuối tháng 3, chưa phản ánh được tác động từ các chính sách thuế mới được công bố sau đó của chính quyền ông Trump, những động thái có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Trung Quốc có thể đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong chiến lược quản lý dự trữ ngoại hối trong 6 tuần qua, và điều này sẽ dần trở nên rõ ràng hơn theo thời gian”, ông Setser kết luận.