Bản tin tổng hợp

Tăng cường rà soát việc lập hóa đơn bán vàng, thuốc và hàng hóa trọng điểm

TH 20/05/2025 07:00

Chi cục Thuế khu vực I (quản lý địa bàn Hà Nội, Hòa Bình) vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như vàng bạc, dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng thiết yếu…

Trong văn bản hướng dẫn gửi các phòng nghiệp vụ, Chi cục Thuế khu vực I yêu cầu lãnh đạo các bộ phận quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp và đội trưởng các đội thuế chỉ đạo trực tiếp công chức thuế tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động lập và sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý.

Trọng tâm rà soát tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối và phân phối thương mại trong các lĩnh vực: vàng bạc, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, phân bón và thức ăn chăn nuôi, khí gas và chất đốt, hàng tiêu dùng, bê tông thương phẩm, thiết bị nội thất… kể từ năm 2024 trở đi.

Sẽ kiểm tra đột xuất nhà hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền - Nhịp sống kinh tế Việt Nam &

Các đơn vị chức năng được yêu cầu thực hiện trích xuất dữ liệu hóa đơn điện tử đầu ra để phân tích, phát hiện dấu hiệu rủi ro, nghi vấn vi phạm, đặc biệt trong các trường hợp hóa đơn không thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định, chẳng hạn như không ghi mã số thuế của người mua là cơ sở kinh doanh.

Trên cơ sở dữ liệu đã phân tích và xác định rủi ro, các phòng chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế để đảm bảo công tác quản lý thuế hiệu quả và minh bạch.

Chi cục Thuế khu vực I cũng lưu ý: khi lập hóa đơn điện tử bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho người mua là hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh, người bán bắt buộc phải ghi rõ mã số thuế hoặc số căn cước công dân của người mua.

Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ được quy định cụ thể tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2025). Theo đó, không bắt buộc ghi mã số thuế hoặc căn cước công dân trong các trường hợp bán lẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không có hoạt động kinh doanh.

Đối với các hóa đơn đã lập nhưng phát hiện sai sót, người bán cần tiến hành điều chỉnh hoặc lập hóa đơn thay thế theo đúng quy định pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh cho biết họ còn nhiều băn khoăn trước yêu cầu ghi thông tin cá nhân đầy đủ trên hóa đơn điện tử, kể cả đối với người mua là người tiêu dùng cuối cùng, những đối tượng không phát sinh hoạt động kinh doanh và thường không muốn chia sẻ thông tin cá nhân.

Giải đáp thắc mắc, ông Vũ Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Thuế, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I khẳng định: các quy định pháp lý hiện hành đã phân biệt rõ ràng giữa các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc cung cấp thông tin định danh khi lập hóa đơn điện tử.

Cụ thể, khi bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng là cá nhân, không cần thiết phải thể hiện mã số thuế hoặc số căn cước công dân trên hóa đơn.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng nên chủ động yêu cầu lấy hóa đơn khi mua hàng để đảm bảo quyền lợi. Hóa đơn điện tử không chỉ là chứng từ pháp lý xác nhận giao dịch, mà còn là "giấy bảo hành" cho sản phẩm, giúp truy xuất nguồn gốc rõ ràng, phòng tránh rủi ro mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

TH