Bản tin tổng hợp

Đồng Nai mời gọi đầu tư cho hàng loạt dự án giao thông trọng điểm

NH 20/05/2025 - 09:24

Nhằm đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai đang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn.

Những dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới giao thông liên vùng, giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng hiện hữu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Thông báo kêu gọi đầu tư do Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai công bố bao gồm nhiều công trình chiến lược, nổi bật là dự án mở rộng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến huyện Trảng Bom.

Cụ thể, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hiện nay sẽ được nghiên cứu kéo dài thêm 20,74 km, bắt đầu từ ga Bến xe Suối Tiên (TP.HCM) đến xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Tuyến mở rộng này dự kiến gồm 12 ga và một khu depot điều hành, với tổng mức đầu tư lên đến 34.719 tỷ đồng.

Đồng Nai: Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Dự án được đề xuất theo hình thức đầu tư hỗn hợp, bao gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, hợp đồng BOT và khai thác quỹ đất dọc tuyến.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng kêu gọi đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đường trên cao dọc quốc lộ 51, đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến vòng xoay Cổng 11.

Tuyến đường có chiều dài 5,5 km, thiết kế với quy mô 6 làn xe cao tốc, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ ra vào thành phố Biên Hòa. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 13.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thông qua hợp đồng BOT.

Một trong những dự án giao thông mang tính biểu tượng khác là cầu Cát Lái, kết nối trực tiếp huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP.Thủ Đức (TP.HCM). Cầu được thiết kế với 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, tổng vốn đầu tư lên đến 19.391 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch và tạo trục kết nối nhanh với TP.HCM thông qua mô hình đầu tư PPP.

Ngoài ra, cầu Đồng Nai 2 cũng là một điểm nhấn đáng chú ý trong danh mục kêu gọi đầu tư lần này. Cầu sẽ nối từ đường Vành đai 3 TP.HCM (tại nút giao Gò Công, TP. Thủ Đức) đến tuyến ĐT.777B thuộc xã Tam An, huyện Long Thành (Đồng Nai). Công trình này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực kết nối giao thông giữa các khu vực công nghiệp trọng điểm và cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.

Không chỉ đầu tư vào các công trình mới, Đồng Nai cũng đặt mục tiêu nâng cấp và mở rộng tuyến đường Bùi Văn Hòa, một trục giao thông quan trọng tại TP. Biên Hòa. Tuyến đường này sẽ được mở rộng lên 10 làn xe với tổng chiều dài 5,56 km, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 8.052 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Trong khi đó, để kết nối Đồng Nai với tỉnh Bình Phước, địa phương cũng đề xuất đầu tư tuyến đường dài 44 km, gồm 4 làn xe trong giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 11.020 tỷ đồng, trong đó riêng cầu Mã Đà có kinh phí khoảng 220 tỷ đồng, phần còn lại dành cho xây dựng tuyến đường chính. Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho khu vực kinh tế phía Bắc của tỉnh.

Đáng chú ý, Đồng Nai cũng tham gia quy hoạch và đầu tư tuyến đường Vành đai 4, một trong những tuyến giao thông liên vùng quan trọng nhất tại miền Nam.

Tuyến đường dài 45,54 km, thiết kế với quy mô 8 làn cao tốc, mỗi bên có đường song hành rộng 8m và vỉa hè 7m. Trong giai đoạn 1, tuyến sẽ được thi công với quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.759 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay, theo hình thức PPP.

Việc Đồng Nai chủ động kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông chiến lược không chỉ thể hiện tầm nhìn phát triển lâu dài của tỉnh mà còn là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình xây dựng và phát triển đô thị hiện đại, bền vững.

Với vị trí địa lý trọng yếu và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, Đồng Nai đang từng bước khẳng định vai trò đầu tàu kết nối giao thông - kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

NH