Đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng hơn 3.700 tỷ đồng
Sáng ngày 19/5, Chính phủ đã trình Quốc hội tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), trong đó đề xuất tăng tổng mức đầu tư từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng, tức tăng thêm 3.714 tỷ đồng so với mức được Quốc hội thông qua trước đây.
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày, nêu rõ việc điều chỉnh là cần thiết do xuất hiện nhiều yếu tố phát sinh trong quá trình triển khai, làm tăng chi phí các dự án thành phần.
Cụ thể, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được điều chỉnh lên mức 9.856 tỷ đồng (tăng 3.227 tỷ đồng), chủ yếu do kết quả đo đạc, kiểm đếm lại diện tích đất ảnh hưởng; xác định lại chi phí di dời hạ tầng; biến động đơn giá tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; cũng như bổ sung thêm nút giao khác mức với tuyến Mỹ Xuân - Ngãi Giao.
Chi phí xây dựng dự kiến cũng tăng thêm 487 tỷ đồng, nâng tổng chi phí đầu tư xây dựng lên 11.695 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc khảo sát chi tiết địa hình, địa chất, thủy văn; cập nhật thiết kế kỹ thuật; biến động giá vật liệu, nhân công và chi phí máy móc; đồng thời bổ sung hạng mục trạm kiểm tra tải trọng xe theo quy chuẩn QCVN 66:2024.

Về cơ cấu vốn đầu tư, Chính phủ đề xuất điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 lên 17.124 tỷ đồng (tăng 2.854 tỷ đồng), bao gồm ngân sách trung ương 12.144 tỷ đồng và ngân sách địa phương 4.980 tỷ đồng, trong đó, tỉnh Đồng Nai đóng góp 2.969 tỷ đồng, còn lại là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 2.011 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2026 - 2030, cần bổ sung thêm 860 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng đã rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và xác nhận có đủ khả năng cân đối nguồn vốn bổ sung 1.144 tỷ đồng cho hai dự án thành phần thuộc ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, HĐND và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cam kết bảo đảm bố trí đủ phần vốn thuộc ngân sách địa phương với tổng bổ sung 1.710 tỷ đồng.
Về tính hợp lý của việc điều chỉnh, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội, đánh giá rằng việc tăng tổng mức đầu tư thêm 3.714 tỷ đồng, tương đương khoảng 20,8% so với mức đã được phê duyệt trước đó, là một mức tăng đáng kể.
Do đó, Ủy ban đề nghị các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các khoản chi phí tăng giảm và bổ sung phân tích chi tiết, nhằm bảo đảm tính hợp lý, minh bạch của việc điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Mãi lưu ý rằng trong bối cảnh thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, khả năng điều phối vốn từ ngân sách địa phương có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông đề nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND các địa phương liên quan, trong vai trò cơ quan chủ quản cần có cam kết rõ ràng về việc bảo đảm nguồn vốn được phân bổ đúng tiến độ, để dự án không bị kéo dài và sớm đưa vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (53,7km, 100km/h, 4 - 6 làn xe) được Quốc hội phê duyệt tháng 6/2022, tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng.
Dự án chia 3 thành phần: thành phần 1 (16km, 4 làn xe, 6.240 tỷ đồng, bồi thường 3.589 tỷ đồng); thành phần 2 (18,2km, 4 - 6 làn xe, 6.407 tỷ đồng, bồi thường 1.707 tỷ đồng); thành phần 3 (19,5km, 4 làn xe, 5.190 tỷ đồng, bồi thường 1.333 tỷ đồng).
Dự kiến dự án hoàn thành năm 2025, khai thác năm 2026.