Bản tin tổng hợp

Chủ tịch Quốc hội: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước

NH 19/05/2025 07:30

Ngày 18/5/2025, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW (ngày 30/4/2025) về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, cùng với Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại hơn 37.000 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham dự của hơn 1,5 triệu đại biểu từ các cấp, ngành và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề trọng tâm, làm rõ nội dung cốt lõi của Nghị quyết 66 và kế hoạch triển khai thực hiện. Ông nhấn mạnh rằng đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cấp thiết về một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ, khả thi nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược: trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo chuyên đề

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập quốc tế sâu rộng, pháp luật cần nhanh chóng thích ứng và tạo nền tảng pháp lý phù hợp với các mô hình kinh doanh và xu thế phát triển mới.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, tương đối đồng bộ, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Trong năm 2024, nhờ sự vào cuộc kịp thời của pháp luật, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09% - cao nhất khu vực, với 15/15 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, như việc thể chế hóa chủ trương của Đảng còn chậm, tư duy làm luật còn thiên về quản lý hành chính, thiếu linh hoạt. Nhiều văn bản pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong áp dụng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Đặc biệt, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là “khâu yếu”, thiếu cơ chế phản ứng chính sách linh hoạt, còn biểu hiện hình thức trong tham vấn chính sách và đánh giá tác động. Kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, 65% người dân và doanh nghiệp cho rằng việc thi hành pháp luật còn chưa nghiêm, làm suy giảm niềm tin vào pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết 66 là yêu cầu tất yếu trong tiến trình đổi mới, là “đột phá của đột phá” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, pháp luật cần trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, động lực phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số.

Nghị quyết xác định rõ việc phải từ bỏ triệt để tư duy “không quản được thì cấm”, thay vào đó là khuyến khích sáng tạo, mở rộng dư địa phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Luật pháp cần đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, đồng thời tăng tính dự báo và tương thích quốc tế.

Các đại biểu tham gia trực tiếp tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội.
Các đại biểu tham gia trực tiếp tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Song song, công tác thi hành pháp luật cũng phải có bước đột phá mạnh mẽ. Pháp luật phải được thi hành công bằng, nghiêm minh, minh bạch và hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được huy động giám sát chặt chẽ. Nghị quyết yêu cầu tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; không lạm dụng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp.

Nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn trong Nghị quyết 66, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 197 (ngày 17/5/2025), quy định các cơ chế, chính sách đặc biệt phục vụ công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đáng chú ý là việc phân bổ 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho xây dựng pháp luật; thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật; và các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác pháp luật ở Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật, tích hợp các hệ thống thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo để chuyên môn hóa toàn diện các khâu trong quy trình xây dựng pháp luật.

Đảng ủy Quốc hội (Kế hoạch hành động số 28 ngày 16/5/2025) và Đảng ủy Chính phủ (Nghị quyết số 140 ngày 17/5/2025) đã cụ thể hóa các nội dung triển khai Nghị quyết 66 với năm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan; hướng dẫn cụ thể cơ chế đặc biệt; đẩy nhanh ban hành luật và văn bản hướng dẫn; đổi mới tư duy lập pháp và xây dựng chương trình lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.

Các đại biểu tham gia trực tiếp tại hội nghị.
Các đại biểu tham gia trực tiếp tại hội nghị

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi toàn hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo, thực thi các nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả.

Ông tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, công cuộc cải cách pháp luật và sắp xếp bộ máy nhà nước sẽ thành công, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, đưa Việt Nam tiến bước vững chắc trong kỷ nguyên phát triển mới, thịnh vượng và hùng cường.

NH