Chính sách mới

Quốc hội thảo luận về sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm

Thanh An 16/05/2025 - 10:45

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16/5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, ngày 15/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết và các đại biểu cũng đã thảo luận tại tổ về nội dung này.

Đáng chú ý, dự thảo quy định việc thanh tra và kiểm tra với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Bên cạnh đó, kế hoạch, kết luận thanh tra và kiểm tra phải được công khai theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh.

140520251043-anh-1-toan-canh-phien-lam-viec-.jpg
Dự thảo nghị quyết đưa ra 2 nhóm chính sách lớn, trong đó dự kiến sẽ đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia

Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo nghị quyết đưa ra 2 nhóm chính sách lớn.

Thứ nhất, đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Theo đó, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thứ hai, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Qua đó, Nhà nước bố trí ngân sách cho hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân.

Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân khoảng 10-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách, giải quyết 84-85% việc làm và năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.

Thanh An