Chính sách mới

Sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng

Nguyễn An 16/05/2025 09:48

Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD).

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD là tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã phát huy tốt hiệu quả khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, trong đó bao gồm: Luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; luật hóa quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc luật hóa các quy định này được thực hiện dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo. Đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.

luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-se-tac-dong-nhu-nao-den-hoat-dong-kinh-doanh-cac-ngan-hang_65add080b6640.jpg
Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD để luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD. Việc điều chỉnh thẩm quyền cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; Thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng; một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 chưa được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ. Năng lực quản trị của một số TCTD còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro.

Theo đó, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ, thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay.

Việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Điều này nhằm triển khai đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, tại phiên họp sáng 20/5/2025, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng. Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra dự án luật này từ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Đến chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật. Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về dự án Luật tại phiên họp sáng 29/5/2025 và biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 17/6/2025.

Nguyễn An