Chính sách mới

Trình Quốc hội 5 nhóm chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Nhật Hưng 15/05/2025 15:43

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân với năm nhóm chính sách đặc thù, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo cú hích mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực và phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khi trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết trước Quốc hội, nhấn mạnh rằng: Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước, đồng thời yêu cầu xây dựng một cơ chế, chính sách đặc biệt trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9.

Dự thảo Nghị quyết nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đã được xác lập tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập trong bối cảnh phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 5 nhóm chính sách đặc biệt, có tính cấp bách, tác động lớn đến môi trường đầu tư - kinh doanh, niềm tin thị trường, đồng thời chưa được luật hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thứ nhất, về cải thiện môi trường kinh doanh, dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cùng với đó quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh; giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Theo dự thảo tờ trình, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, về hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, dự thảo quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

Thứ ba, hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, dự thảo quy định hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn…; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Theo dự thảo tờ trình, (tại khoản 1 Điều 9), doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG);

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm đầu thành lập kể từ thời điểm được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Thứ tư, hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, dự thảo quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này; nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung. Bên cạnh đó hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.

Thứ năm, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong. Theo đó, quy định 2 chính sách cho nhóm doanh nghiệp này gồm: đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia; Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ điều kiện áp dụng chính sách đối với từng nhóm đối tượng, tránh cơ chế "xin - cho" và bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi.

Đặc biệt, đối với cơ chế hỗ trợ đất đai, mặt bằng sản xuất, cần hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Dự thảo nhằm hạn chế trục lợi chính sách. Cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị bổ sung quy định về cơ chế hoàn trả phù hợp cho các chủ đầu tư khi dành đất cho doanh nghiệp thuê lại.

Về hỗ trợ tài chính và tín dụng, bài học kinh nghiệm từ triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 được nhấn mạnh nhằm tránh lặp lại các bất cập trước đây. Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị phải xác lập rõ ràng tiêu chí xác định đối tượng được hỗ trợ.

Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là bước đi chiến lược, cụ thể hóa các định hướng lớn của Đảng trong việc phát huy vai trò chủ lực của khu vực kinh tế tư nhân. Việc sớm hoàn thiện và ban hành Nghị quyết sẽ là nền tảng quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tăng tốc và hội nhập sâu rộng.

Nhật Hưng