Đề xuất quy định thống nhất mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp
Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội, một nội dung đáng chú ý là đề xuất quy định thống nhất mức trần tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, với mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm.
Dự thảo Luật nêu rõ: đối với người lao động hưởng lương theo chế độ do Nhà nước quy định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm lương theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, kèm theo các khoản phụ cấp như phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Đối với người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tổng hợp của lương công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận chi trả thường xuyên, ổn định trong từng kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động bị ngừng việc nhưng vẫn nhận mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tiền lương trong thời gian ngừng việc sẽ là cơ sở để đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện tại, theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng như sau: Vùng I: 4,96 triệu đồng/tháng; Vùng II: 4,41 triệu đồng/tháng; Vùng III: 3,86 triệu đồng/tháng; Vùng IV: 3,45 triệu đồng/tháng.
Dự thảo cũng quy định, trong trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị tạm giam hoặc bị tạm đình chỉ công việc, việc đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tạm dừng.
Khi người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương cho thời gian này, cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng bù phần bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian đã tạm dừng, đồng thời với việc truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có nhiều ý kiến đề xuất cần thống nhất quy định trần tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp (20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng) với trần tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (20 lần mức lương tham chiếu).
Hiện nay, pháp luật vẫn có sự khác biệt giữa 2 khu vực: Khu vực nhà nước: trần đóng bảo hiểm thất nghiệp là 20 lần mức lương cơ sở; mức hưởng tối đa là 5 lần mức lương cơ sở và Khu vực ngoài nhà nước: trần đóng là 20 lần mức lương tối thiểu vùng; mức hưởng tối đa là 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách có tính chất ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro cao. Mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ người lao động tạm thời mất việc, không nhằm tích lũy lâu dài như bảo hiểm xã hội. Do đó, việc thống nhất mức trần đóng và trần hưởng cho cả hai khu vực là phù hợp với bản chất và mục tiêu của chính sách này.
Cụ thể, mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp được đề xuất thống nhất là 20 lần mức lương tối thiểu vùng; trần hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc quy định khác biệt giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không phải là quy định mới mà đã được thực hiện từ trước, và sẽ không gây trở ngại cho quá trình triển khai của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như không ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số trong quản lý bảo hiểm hiện nay.