Toàn cảnh

Chứng khoán châu Á khởi sắc nhờ kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Quang Chiến 12/05/2025 - 14:43

Sáng 12/5, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hạ nhiệt sau các cuộc đàm phán cấp cao cuối tuần qua tại Geneva (Thụy Sĩ).

Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 17,52 điểm (+0,52%) lên 3.359,52 điểm. Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) nhích nhẹ 16,47 điểm (+0,04%) lên 37.519,8 điểm. Hang Seng Index (Hồng Kông) dẫn đầu đà tăng trong khu vực khi tăng 203,88 điểm (+0,89%) lên 23.071,62 điểm. Cùng lúc đó, hợp đồng tương lai S&P 500 của Mỹ khả năng mở cửa tăng hơn 1%, cho thấy tâm lý lạc quan lan rộng sang thị trường phương Tây.

121093163.jpeg
Chứng khoán châu Á khởi sắc nhờ kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Sự phấn khởi của thị trường đến từ kết quả ban đầu của cuộc gặp kéo dài hai ngày giữa các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc tại Geneva - vòng đàm phán chính thức đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế suất lên đến 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng mức thuế 125% lên hàng hóa Mỹ, khiến dòng thương mại song phương gần như đình trệ.

Kết thúc vòng đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hai bên đã đạt được “tiến triển đáng kể”, trong khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong mô tả cuộc đối thoại là “thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng”. Một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố trong ngày 12/5.

Các nhà đầu tư hiện đặt kỳ vọng rằng cuộc đối thoại tại Geneva sẽ mở đường cho việc giảm thuế song phương - yếu tố được xem là then chốt trong việc ổn định thương mại toàn cầu. Theo các nhà phân tích tại Wedbush Securities, đây là "bước đi tích cực theo đúng hướng", và nhiều khả năng thỏa thuận sẽ bao gồm việc "giảm đáng kể mức thuế hiện hành".

Tổng thống Trump gần đây cũng hé lộ khả năng giảm thuế từ mức 145% hiện tại xuống còn 80%, trong khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick gợi ý các mức thuế "đối ứng" giữa hai bên có thể ổn định ở khoảng 34%.

Theo số liệu công bố tuần trước, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm tới 21% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Mỹ, các chỉ báo đầu tiên về nguy cơ suy thoái cũng bắt đầu xuất hiện, tạo áp lực khiến chính quyền phải sớm tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

Mặc dù giới phân tích không kỳ vọng vào sự đột phá lớn trong đàm phán cuối tuần qua, sự thay đổi trong giọng điệu từ cả hai phía cho thấy khả năng tiến tới thỏa thuận là có thật.

Hiện các nhà đầu tư toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ nội dung chi tiết của tuyên bố chung, dự kiến sẽ hé lộ lộ trình giảm thuế và các cơ chế phối hợp thương mại tiếp theo giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo TimesofIndia

Quang Chiến