Doanh nhân xưa

Doanh nhân, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát: Trí tuệ, bản lĩnh và trái tim cách mạng (Kỳ 2)

Thanh an 13/05/2025 11:00

Vốn xuất thân là một trí thức với tinh thần yêu nước cao độ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát nổi tiếng ở Sài Gòn đã chọn không quan tâm đến việc làm giàu mà gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, có uy tín đặc biệt đối với đội ngũ trí thức nước nhà.

Vốn có tinh thần yêu nước, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tích cực giúp Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ về tuyên truyền, vận động thanh niên trí thức. Ông đã dùng văn phòng kiến trúc sư của mình để làm nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Từ những lớp huấn luyện rất cơ bản này, Xứ ủy đã đào tạo kịp thời một đội ngũ cán bộ nòng cốt để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và dân tộc

anh-5.-kts-huynh-tan-phat-va-phu-nhan-bui-thi-nga.jpg
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và phu nhân Bùi Thị Nga

Ngày 5/3/1945, Huỳnh Tấn Phát được Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Sau khi vào Đảng, Huỳnh Tấn Phát được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ làm Bí thư Tân Dân chủ Đảng và là cốt cán trong công tác tuyên truyền, huấn luyện thanh niên tri thức, công nhân, học sinh.

Với vai trò Trưởng ban tổ chức Thanh niên Tiền phong, Huỳnh Tấn Phát đã tuyên truyền, giác ngộ và tập hợp lực lượng thanh niên yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành lực lượng nòng cốt khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 trên toàn quốc.

Đêm 24 rạng sáng 25/8/1945, Xứ ủy và Ủy ban Tổng khởi nghĩa phát động giành chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông gấp rút cùng với anh em công nhân và Thanh niên Tiền phong xây dựng kỳ đài, ghi tên 11 vị trong Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông phụ trách Phòng Thông tin báo chí. Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, ông bị bắt, nhưng nhờ uy tín của một kiến trúc sư có tên tuổi nên sau 3 ngày bị giam, địch phải trả tự do cho ông.

Đầu năm 1946, ông lại bị địch bắt tại nhà in bí mật ở số 160, đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng) và bị tuyên án hai năm tù. Trong tù, ông kiên quyết đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc của thực dân và cùng anh em biến Khám Lớn Sài Gòn thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự, đào tạo một đội ngũ cán bộ cách mạng cốt cán sau này.

Tháng 11/1947, sau khi được trả tự do, Huỳnh Tấn Phát ở lại Sài Gòn, liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận và báo chí ở thành phố, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ (Đảng Dân chủ là một tổ chức chính trị tập hợp lực lượng trí thức lúc bấy giờ). Năm 1949, ông ra khu giải phóng, được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, ở Chiến khu Đ.

Sau Hiệp định Geneva, ông được phân công trở về hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Năm 1959, khi ra vùng giải phóng, ông được cử làm Khu ủy viên chính thức Đặc khu Sài Gòn - Gia Định và là một trong những trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức và thanh niên.

anh-4.-nha-hat-hoa-binh-cong-trinh-cuoi-cung-do-kien-truc-su-huynh-tan-phat-thiet-ke-truoc-khi-qua-doi.jpg
Nhà hát Hòa Binh - Công trình cuối cùng do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước khi qua đời

Vào ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại diện các dân tộc, tôn giáo, đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân đã tổ chức hội nghị và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ủy ban Trung ương lâm thời được bầu ra, trong đó có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra từ 16/2 đến 3/3/1962, đã chính thức bầu ra Ủy ban Trung ương, với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng. Tổng thư ký Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, đại diện tiêu biểu của giới trí thức yêu nước miền Nam, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Ông cũng là một trong những thành viên của Đoàn Chủ tịch, giữ chức vụ Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương và có nhiều đóng góp quan trọng, nâng cao uy tín và vị thế của Mặt trận.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, bận rộn suốt ngày đêm, song ông vẫn không rời cây bút vẽ. Ông coi việc thiết kế nhà cửa là thú vui tao nhã, ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều phòng họp, hội trường, nơi ăn chốn ở phục vụ cho các đại biểu về dự các hội nghị tại vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt là hội trường cho Đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Hội trường đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam lần thứ nhất ở R (Lò Gò) đều bằng tre gỗ nứa lá, nhưng đã khéo xử lý rừng cây tán lá rậm rạp để có hội trường rộng rãi, khang trang.

Chủ tịch danh dự của Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Năm 1983, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Kiến trúc sử Việt Nam lần thứ III, Huỳnh Tấn Phát đã được bầu làm Chủ tịch danh dự. Trên cương vị này, ông đã có điều kiện gần gũi, quan tâm hơn đến hoạt động của giới kiến trúc sư, chỉ ra đường hướng phát triển của hội sau chiến tranh, mà trước hết là phải thật sự đoàn kết, động viên nhau cùng góp sức cho công cuộc kiến thiết nước nhà. Ông rất trăn trở và quan tâm phát triển nhà ở cho người nghèo đô thị, nông thôn và nhà ở cho công nhân. Dù bận rộn với trọng trách của Chính phủ, của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhưng ông vẫn dành thời gian cho hoạt động của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Sau này, ông còn làm Trưởng ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và chủ nhiệm đồ án thiết kế Xây dựng thủ đô Hà Nội, vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển Thủ đô sau này.

Với những đóng góp to lớn của mình, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc.

Ngày 30/9/1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 76 tuổi. Trong lễ tang của ông, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá: “Huỳnh Tấn Phát là một cán bộ đầy tình người trong sáng, luôn đoàn kết thuyết phục mọi người phục vụ cách mạng. Anh luôn để lại trong tôi và trong mọi người quen biết một mối tình cảm khó quên, một niềm kính phục và thương yêu, kính trọng mỗi khi có dịp nhớ tới hay cùng ngồi đàm đạo nhắc lại tên anh”.

Thanh an