Bản tin trưa 12/5: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Tin tức đáng chú ý trưa 12/5: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Phân bón Cà Mau được Úc cấp Chứng chỉ cấp độ 1; Bộ Xây dựng yêu cầu siết chặt kỷ cương trong thi công hạ tầng giao thông; Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng; Ủy viên Thường vụ, Thành ủy viên có thể làm bí thư xã, phường ở TP.HCM.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Sáng 12/5, tại phiên họp toàn thể Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là một trong những dự luật then chốt tại Kỳ họp thứ 9, nhằm cập nhật chính sách thuế phù hợp với thực tiễn phát triển, bảo đảm công bằng và hiệu quả trong thu thuế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cần được củng cố mạnh mẽ.
Theo ông Phan Văn Mãi, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý với nhiều điểm mới đáng chú ý, trên nguyên tắc “khuyến khích phát triển đi đôi với kiểm soát gian lận”. Một trong những nội dung trọng tâm là quy định miễn thuế đối với khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản và chuyển nhượng dự án đầu tư với lỗ từ ngành nghề khác. Đây là thay đổi lớn so với quy định hiện hành vốn không cho phép bù trừ, nhằm bảo đảm đóng góp đầy đủ của ngành bất động sản vào ngân sách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phải đánh giá chi tiết tác động thực tiễn sau khi chính sách được áp dụng, nhất là trên cơ sở theo dõi sự thay đổi nghĩa vụ thuế và số nộp ngân sách của các doanh nghiệp bất động sản.

Về chính sách ưu đãi, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng “ưu đãi có chọn lọc”, tránh dàn trải. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 94% tổng số doanh nghiệp cả nước dự thảo chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế suất 15% hoặc 17%, thay vì áp dụng toàn bộ các tiêu chí như trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, Luật cũng siết lại các quy định về chi phí được trừ. Những khoản chi không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng đã phát sinh thực tế được quy định thành một khoản mục riêng, nhằm tránh vướng mắc và lạm dụng trong thực hiện.
Đặc biệt, Luật cho phép doanh nghiệp được trừ khoản chi bổ sung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vượt mức thực chi. Tuy nhiên, quy định này đi kèm với điều kiện chặt chẽ về phạm vi, mức chi và tiêu chuẩn áp dụng, do Chính phủ hướng dẫn.
Phân bón Cà Mau được Úc cấp Chứng chỉ cấp độ 1
Ngày 12/5, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết vừa được Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc cấp Chứng chỉ cấp độ 1 cho xuất khẩu phân bón hàng rời (Bulk In-Ship Fertiliser). Đây là mức đánh giá cao nhất trong hệ thống quản lý nhập khẩu phân bón vô cơ của Úc.
Chứng chỉ được cấp sau đợt đánh giá thực địa vào tháng 3/2025, thể hiện sự công nhận toàn diện với sản phẩm Urê hạt đục Cà Mau, từ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc, điều kiện hạ tầng, đến năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng hiện đại và bền vững.

Theo cơ quan cấp chứng chỉ, Nhà máy Đạm Cà Mau đã thể hiện rõ cam kết duy trì tính toàn vẹn sinh học trong toàn bộ chuỗi sản xuất - xuất khẩu, đáp ứng một trong những quy trình quản lý nghiêm ngặt nhất thế giới. Chứng chỉ Cấp độ 1 giúp hàng hóa của PVCFC được miễn kiểm tra tại cảng đến ở Úc, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao tính cạnh tranh. Đặc biệt, sản phẩm Urê Cà Mau còn được đưa vào nhóm nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn cao nhất, cho phép bán với giá cao nhất trên thị trường Úc.
PVCFC hiện là doanh nghiệp duy nhất trong ngành sản xuất - kinh doanh phân bón Việt Nam (tính đến năm 2024) đạt chứng chỉ “Level Two System Status” tại Úc và đến năm 2025 đã được nâng hạng lên cấp độ 1, thể hiện bước tiến vượt bậc về năng lực khi PVCFC chỉ mới được Úc cấp phép xuất khẩu phân bón 1 năm trước (tháng 4/2024).
Bộ Xây dựng yêu cầu siết chặt kỷ cương trong thi công hạ tầng giao thông
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký công điện yêu cầu siết chặt kỷ cương trong thi công hạ tầng giao thông, nghiêm cấm hành vi thông đồng, móc ngoặc hợp thức hóa hồ sơ, làm sai lệch kết quả, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị thi công để trục lợi cá nhân.
Công điện nêu rõ, ngành xây dựng đang triển khai đồng loạt nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn quốc, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; xác định chất lượng công trình luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại một số dự án, công tác đảm bảo chất lượng thi công, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vẫn còn tồn tại, hạn chế, vẫn để xảy ra tai nạn lao động, sự cố công trình. Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu nâng cao chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế, đảm bảo đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thuỷ văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải theo đúng quy định.
Nguyên nhân chủ yếu do một số chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, một số nội dung trong hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng còn khiếm khuyết dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, làm kéo dài thời gian thi công.

Để tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị thi công và nhân dân khu vực dự án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng yêu cầu siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án trong suốt quá trình triển khai dự án.
Nâng cao chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế, đảm bảo đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thuỷ văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải theo đúng quy định, nhất là các khu vực nền đất yếu, khu vực có điều kiện địa chất phức tạp; giám sát chặt chẽ thực hiện khảo sát, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát, kiểm soát chất lượng hồ sơ, nghiệm thu trước khi trình thẩm định theo đúng quy định.
Đặc biệt, khi khảo sát điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, đường vận chuyển, thủ tục khai thác, trữ lượng của các bãi đổ thải, đáp ứng yêu cầu của dự án.
Nghiêm cấm các hành vi: thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.
Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ thể thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thiết kế, thi công.
Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa đề nghị Chính phủ làm rõ kết quả xử lý các container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trong năm qua.
Thông tin này được nêu tại báo cáo cho ý kiến về công tác bảo vệ môi trường 2024 của Chính phủ. Liên quan đến hoạt động quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Ủy ban này cho rằng Chính phủ chưa làm rõ kết quả xử lý các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển trong năm 2024, trong khi đây là vấn đề kéo dài nhiều năm.
Theo báo cáo về bảo vệ môi trường của Chính phủ năm ngoái, 945 container còn tồn đọng tại cảng biển tính đến ngày 31/12/2023.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) hồi tháng 8 năm ngoái, gần 8.000 container tồn trên 90 ngày tại các cảng biển TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong số này, 3.100 chiếc đã tồn hơn 3 năm. Khoảng 1.000 container là hàng phế liệu. Do vướng mắc về kinh phí và thủ tục, thời điểm đó, các bên liên quan đã dừng việc xử lý lô hàng tồn đọng sau khi kiểm kê và phân loại hàng hóa.
Trước tình trạng tồn đọng này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ bổ sung kết quả xử lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tăng các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu chất thải trái phép dưới hình thức phế liệu.
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, gồm phế liệu sắt thép, giấy, nhựa, thủy tinh và kim loại màu. Doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu phi thuế quan không phải áp dụng quy chuẩn này. Điều này giúp việc quản lý tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao hơn về ô nhiễm môi trường.
Ủy viên Thường vụ, Thành ủy viên có thể làm bí thư xã, phường ở TP.HCM
Ủy viên ban thường vụ hoặc Thành ủy viên có thể được Thành ủy TP.HCM phân công làm bí thư phường, xã đông dân, là động lực phát triển kinh tế. Đó là một phần trong hướng dẫn khung tiêu chuẩn tạm thời và định hướng bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp bộ máy các phường, xã trên địa bàn vừa được Thành ủy TP.HCM ban hành.
Theo hướng dẫn của Thành ủy TP.HCM, bí thư phường, chủ tịch UBND phường mới không là người địa phương. Cán bộ quản lý cấp huyện sẽ được bố trí làm nòng cốt tại phường mới.
Theo đó, khi bố trí bí thư đảng ủy xã, phường sẽ ưu tiên bí thư quận, huyện giữ chức vụ bí thư phường, xã trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy hoặc ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM làm bí thư xã, phường.
Tiếp đó, các chức vụ ưu tiên làm bí thư xã, phường gồm: phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy TP.HCM; cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thành phố và tương đương; các nguyên bí thư, phó bí thư chuyên trách các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM (trước khi sắp xếp).

TP.HCM cũng ưu tiên cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành được quy hoạch cấp trưởng về làm bí thư phường. Phó bí thư thường trực đảng ủy và chủ tịch UBND phường bố trí theo nguyên tắc ưu tiên phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; ủy viên ban thường vụ cấp huyện; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và tương đương; nguyên phó bí thư các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM; trưởng phòng các cơ quan chuyên trách cấp thành phố...
Chức danh phó chủ tịch phường sẽ ưu tiên ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện; ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; trưởng phòng, ban cấp huyện; bí thư đảng ủy xã; trưởng phòng, phó phòng các cơ quan chuyên trách cấp thành phố được quy hoạch chức danh cao hơn...
Sau khi sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn thành 102 phường, xã mới, TP.HCM có 3 phường, xã trên 200.000 dân là phường Hiệp Bình, phường Tăng Nhơn Phú và xã Bà Điểm. 5 phường, xã có diện tích rộng nhất gồm: An Thới Đông (gần 258km2), Bình Khánh (158km2), Cần Giờ (157km2), Thạnh An (131km2) và An Nhơn Tây (77,7km2).