Bình luận

Châu Âu thận trọng trước sức ép thuế quan từ Mỹ

TH 12/05/2025 - 09:42

EU định áp thuế 100 tỷ USD hàng Mỹ nếu đàm phán thất bại, nhưng ưu tiên tìm kiếm thỏa thuận nhằm tránh tổn thất và giữ đoàn kết nội khối.

Trước làn sóng tăng thuế của Mỹ, châu Âu đang tiến từng bước hết sức thận trọng, với mục tiêu duy trì sự thống nhất vốn mong manh, trong bối cảnh lợi ích kinh tế và an ninh đặt lên bàn cân đều rất lớn, theo Le Monde.

Vì vậy, hiện EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào, trong khi Mỹ đã áp thuế bổ sung 25% với thép, nhôm và ôtô nhập khẩu, cùng mức 10% với loạt sản phẩm khác.

Dù ưu tiên đàm phán, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan phụ trách chính sách thương mại không ngồi yên. Nhằm thiết lập thế cân bằng với Washington và chuẩn bị cho khả năng đàm phán đổ vỡ, EU đã sẵn sàng các phương án phản ứng. Ngày 8/5, EC công bố danh sách lần hai các sản phẩm Mỹ có thể bị áp thuế nếu không đạt được thỏa thuận với Washington.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ ngày 3/3. Ảnh: AP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ, ngày 3/3. Ảnh: AP

Danh sách này gồm rượu vang, rượu bourbon, các loại đồ uống có cồn, cá, máy bay, ô tô và linh kiện, hóa chất, thiết bị điện, sản phẩm y tế... Giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang EU lên tới 95 tỷ euro (hơn 107 tỷ USD).

Ủy ban châu Âu cho biết sẽ mở tham vấn công khai đến ngày 10/6 để các nước thành viên và doanh nghiệp phản hồi về đề xuất này. Họ sẽ đưa ra ý kiến trước khi khối 27 nước đi đến quyết định, dự kiến vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

"EU vẫn cam kết tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi chuẩn bị cho mọi khả năng", Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen khẳng định. Ủy ban châu Âu còn cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ như tài chính hoặc kỹ thuật số. "Mọi phương án đều đang được xem xét", bà nói thêm.

Tháng trước, EU thông qua danh sách áp thuế lần đầu, đa số ở mức 25% với hàng nhập khẩu Mỹ trị giá 21 tỷ euro, gồm ngô, lúa mì, xe máy, quần áo để phản ứng trước thuế thép và nhôm của ông Trump. Tuy nhiên, biện pháp này chưa được thực hiện, sau khi Nhà Trắng hoãn thực thi thuế đối ứng 90 ngày. "Một khoảng lặng mong manh", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bình luận hôm 11/4.

EC cho biết các mức thuế Mỹ đã bao phủ lượng hàng trị giá 380 tỷ euro, tương đương 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ. Con số này có thể tăng lên 97% nếu Mỹ tiếp tục mở rộng điều tra sang dược phẩm, chất bán dẫn, khoáng sản thiết yếu và xe tải.

Các biện pháp dự kiến trả đũa của EU đến nay không tương xứng về khối lượng, do lượng nhập khẩu từ Mỹ thấp hơn so với xuất sang thị trường này. Năm ngoái, khối này nhập 335 tỷ euro trong khi xuất đi 532 tỷ euro sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bù lại, Mỹ hiện có thặng dư thương mại với châu Âu trong lĩnh vực dịch vụ. Các quan chức EU khẳng định khối này muốn phản ứng một cách cân đối, tránh làm leo thang căng thẳng. EC cũng định đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các mức thuế của Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho rằng phản ứng của EU đang "cứng rắn nhưng có tính toán". "Chúng tôi không theo đuổi chiến lược ăn miếng trả miếng từng đồng USD hay euro", EC nhấn mạnh. Họ cho rằng mục tiêu chính là tránh một cuộc leo thang căng thẳng kiểu Mỹ - Trung và giảm thiểu tối đa tổn thất.

Ông Donald Trump tại cuộc họp song phương với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump tại cuộc họp song phương với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: Reuters

Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng khu vực này đến nay đã chọn một chiến lược khá tốt. "Thành thật mà nói, đó là chiến lược dễ nhất để giữ sự đoàn kết. Sau 90 ngày, sẽ đến lúc họ hành động. Chúng ta đã cho đàm phán đủ thời gian cần thiết", một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.

Dẫu vậy, khó có thể nói rằng tiến trình đàm phán hiện tại diễn ra suôn sẻ. Theo nhiều quan chức cấp cao của EU, "phạm vi đàm phán với Mỹ đến nay vẫn chưa được xác định rõ" và "thực chất chưa bắt đầu". Phái đoàn Brussels chật vật tìm đối tác đàm phán bên phía Washington và mong muốn của Mỹ.

"Các nhóm của ông Trump đang đàm phán với rất nhiều nước, họ không tập trung vào châu Âu", một nhà ngoại giao tiết lộ với Le Monde. Một người khác nói thêm: "Cuối cùng, ông Trump sẽ là người quyết định. Và ông ấy muốn chứng minh với người Mỹ rằng ông không yếu thế trước châu Âu".

Ủy ban châu Âu đã đưa ra nhiều đề xuất như hiệp định thương mại tự do, tăng mua khí hóa lỏng của Mỹ, từ bỏ một số tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng Washington chưa có động thái phản hồi.

"Chúng ta thực ra chẳng có nhiều thứ để đem ra mặc cả với ông Trump", nhà kinh tế Olivier Blanchard chia sẻ trên đài France Inter ngày 8/5, và cho rằng "Tổng thống Trump cần những chiến thắng mang tính biểu tượng".

Phó tổng thống Mỹ JD Vance hôm 7/5 cho biết các cuộc thảo luận với châu Âu vẫn đang diễn ra. Theo Reuters, Washington gây sức ép để EU hạ thuế quan cũng như rào cản quy định, nhằm cải thiện quan hệ thương mại.

Theo Le Monde, không dễ đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Mỹ, người mong muốn EU dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan như quy định với hàng nông sản hay kỹ thuật số. "Tôi không thấy chúng ta còn nhiều dư địa ở mảng phi thuế. Chúng ta sẽ không đánh đổi mô hình của mình chỉ để đổi lấy thuế quan. Điều đó là không thể chấp nhận về mặt chính trị", Stéphane Séjourné, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu nói.

Quan trọng hơn, các hành động thận trọng của EU còn nhằm bảo toàn sự đoàn kết giữa 27 nước thành viên. Ví dụ, Pháp, Italy và Ireland có thể không hài lòng khi thấy rượu bourbon từ bang Kentucky xuất hiện trong danh sách đánh thuế.

Trước đây, ông Trump từng dọa sẽ nâng thuế với rượu mạnh châu Âu lên 200% nếu Mỹ bị đánh thuế rượu bourbon, khiến sản phẩm này từng được Ủy ban châu Âu rút khỏi danh sách đáp trả đầu tiên. Tuy nhiên, nó được đưa vào danh sách lần hai.

Hiện Pháp thúc giục EC cứng rắn nhưng Ba Lan, Italy hay các nước vùng Baltic lại muốn xoa dịu Mỹ. Một phần vì Washington đang dọa cắt giảm hỗ trợ an ninh cho họ, phần khác hậu quả kinh tế của một cuộc chiến thương mại có thể rất nghiêm trọng. Ireland - quốc gia đặt trụ sở châu Âu của nhiều tập đoàn công nghệ Luxembourg và Mỹ, như Amazon cũng tỏ ra do dự.

Hiệp hội rượu mạnh châu Âu spiritsEUROPE kêu gọi các nhà đàm phán EU và Mỹ tăng tốc để đạt được thỏa thuận chậm nhất vào đầu tháng 7. BMW - nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất sang Mỹ tính theo giá trị cho rằng hai bờ Đại Tây Dương nên tìm tiếng nói chung dựa trên tự do thương mại.

"Chúng tôi tiến từng bước, xử lý tình huống khẩn cấp", một nhà ngoại giao châu Âu nói. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Washington, EU lo rằng chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ, ông Trump có thể đột ngột quay lưng với cam kết.

"Chìa khóa cho sự thịnh vượng của chúng ta là tự chấn chỉnh nội bộ", bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh. Bà thường xuyên chỉ trích bộ máy hành chính rườm rà và hàng loạt rào cản trong thị trường nội khối, đồng thời tích cực đi công du để mở rộng các hiệp định thương mại với đối tác mới.

Tất nhiên, những điều đó sẽ cần thời gian. Trong lúc chờ đợi, ông Trump vẫn có trong tay công cụ để gây tổn thương cho châu Âu, theo Le Monde.

Theo Le Monde, Reuters

TH