Toàn cảnh

“Siêu đô thị” mới TP.HCM: Khi tăng trưởng không còn là “cuộc chơi” đơn lẻ

Huỳnh Hoàng 12/05/2025 7:30

TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) - ba trung tâm kinh tế năng động sẽ dần hội tụ để hình thành một “siêu đô thị” mới. Không chỉ đóng vai trò đầu tàu kinh tế trong nước, cụm đô thị này được kỳ vọng vươn lên như một trung tâm trung chuyển và điều phối chuỗi cung ứng trong khu vực Đông Nam Á. Việc kết nối về hạ tầng, dòng vốn và chức năng kinh tế đang tạo ra một sức mạnh tổng hợp mới, hứa hẹn đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển đột phá theo mô hình đa cực - tích hợp - bền vững.

freepik_35996029.jpg

TP.HCM không chỉ đóng vai trò là trung tâm tài chính - thương mại mà còn là đầu tàu dẫn dắt xu hướng phát triển các ngành dịch vụ khác. GRDP của Thành phố tăng mạnh từ 512.522 tỷ đồng năm 2010 lên gần 1.780.970 tỷ đồng vào năm 2024, phản ánh quy mô nền kinh tế đô thị bậc nhất, chiếm hơn 15% GDP cả nước theo ước tính năm 2024. Một điều đáng chú ý đó là cơ cấu GRDP phân theo ngành kinh tế của TP.HCM đang thể hiện một sự vượt trội ở lĩnh vực dịch vụ với gần 65% giá trị nền kinh tế, càng củng cố thế mạnh về phát triển dịch vụ tại địa phương này.

Bên cạnh thành tích đứng đầu về sản lượng kinh tế, TP.HCM còn là “cỗ máy” thu ngân sách quốc gia. Năm 2024, thành phố dự kiến nộp vào ngân sách trung ương hơn 508.000 tỷ đồng - mức đóng góp lớn thứ hai cả nước chỉ sau Hà Nội, gần tương đương tổng thu của một vùng kinh tế. Đây là kết quả của hệ sinh thái dịch vụ tài chính - thương mại phát triển mạnh, cùng hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động ổn định và năng lực điều phối chính sách tốt hơn phần còn lại của quốc gia. Đặc biệt, TP.HCM giữ vững vị thế là điểm đến FDI hàng đầu với tổng vốn đăng ký đạt gần 5,9 tỷ USD trong năm 2024.

Nếu TP.HCM là nơi kết nối tài chính và dịch vụ cao cấp, thì Bình Dương lại là minh chứng cho quá trình công nghiệp hóa thành công nhất cả nước. Từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống, Bình Dương đã vươn lên trở thành “thủ phủ công nghiệp”, với GRDP tăng hơn 4 lần từ 117.045 tỷ đồng năm 2010 lên 511.600 tỷ đồng năm 2024. Không chỉ tăng trưởng nhanh, Bình Dương duy trì mô hình phát triển khá cân bằng, nhờ vào quy hoạch khu công nghiệp hợp lý, hệ thống logistics nội tỉnh mạnh và chính sách thu hút đầu tư minh bạch. Về FDI, Bình Dương đã và đang thể hiện mình là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong bản đồ đầu tư khu vực với tổng vốn FDI năm 2024 đạt hơn 4,2 tỷ USD - cao thứ hai toàn quốc chỉ sau TP.HCM. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Bình Dương đã dần chuyển từ mô hình gia công sang mô hình sản xuất và đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng cao hơn, với sự xuất hiện của các dự án công nghệ, tự động hóa, các vườn ươm khởi nghiệp và trung tâm logistics thông minh.

Khác với TP.HCM và Bình Dương, BRVT không dựa nhiều vào công nghiệp nhẹ hay dịch vụ tài chính mà tập trung vào hai lợi thế đặc trưng đó là khai thác năng lượng và vận tải biển. GRDP của tỉnh đã trải qua một quá trình tăng trưởng từ 209.960 tỷ đồng năm 2010 lên 546.998 tỷ đồng năm 2024. Dù con số này có thấp hơn so với hai khu vực ở trên nhưng vẫn rất đáng kể với một địa phương có dân số thấp và tỷ lệ đô thị hóa trung bình. Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của BRVT năm 2024 cũng đã đạt hơn 77.000 tỷ đồng - tỷ lệ trên GRDP cao, phản ánh đóng góp lớn từ các ngành có giá trị thuế cao như dầu khí, cảng biển và công nghiệp nặng. Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, BRVT đang từng bước chuyển từ dầu khí truyền thống sang năng lượng sạch và cảng biển xanh. Đây là một phần năm trong chiến lược giúp duy trì vai trò trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn vùng. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là cảng nước sâu lớn nhất miền Nam và là một trong số ít cảng ở Việt Nam có thể tiếp nhận tàu trên 100.000 tấn. Điều này tạo nên lợi thế tuyệt đối trong việc kết nối BRVT với thị trường quốc tế, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng khu vực Đông Á và ASEAN.

Mỗi địa phương trong cụm TP.HCM - Bình Dương - BRVT đều có lợi thế riêng, nhưng chính sự bổ sung chức năng cho nhau đã tạo nền tảng hình thành một siêu đô thị liên kết vùng. Khi ba địa phương này được quy hoạch và kết nối chặt chẽ như một thể thống nhất, một “siêu đô thị TP.HCM mới” sẽ hình thành: TP.HCM đóng vai trò trung tâm điều phối và tiêu dùng; Bình Dương là vùng sản xuất - chế biến công nghiệp; còn BRVT giữ vị trí cửa ngõ xuất khẩu với hệ thống cảng biển.

Sự hợp nhất chiến lược của cụm ba tỉnh thành không chỉ thúc đẩy tăng trưởng nội vùng, mà còn đặt nền tảng để Việt Nam vươn lên như một trung tâm kinh tế tiểu vùng Đông Nam Á. Với cảng biển lớn, mạng lưới cao tốc và kết nối vùng chặt chẽ, cụm liên kết này hoàn toàn có thể trở thành điểm trung chuyển và điều phối chuỗi cung ứng cho toàn khu vực, đặc biệt là các ngành điện tử, ô tô, dệt may và logistics.

Việc tích hợp GRDP, ngân sách và FDI của ba địa phương không chỉ giúp Việt Nam gia tăng quy mô kinh tế một cách thực chất, mà còn là nền tảng để đàm phán tốt hơn trong các hiệp định thương mại khu vực. Khi đầu tư nước ngoài thấy được một hệ thống sản xuất - logistics - tiêu dùng tích hợp, khả năng thu hút các chuỗi sản xuất quy mô lớn như bán dẫn, công nghệ cao sẽ thực tế hơn rất nhiều.

Hơn nữa, mô hình này có thể nhân rộng: liên kết vùng giữa TP.HCM - Bình Dương - BRVT có thể trở thành hình mẫu cho các cụm khác như Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, góp phần điều chỉnh lại bản đồ phát triển quốc gia theo hướng đa cực, tích hợp và bền vững hơn.

Sự phát triển của TP.HCM, Bình Dương và BRVT cho thấy một thực tế rõ ràng: không địa phương nào có thể phát triển lâu dài nếu chỉ dựa vào thế mạnh riêng. Chính sự hỗ trợ dẫn đến hợp nhất về chức năng, chia sẻ nguồn lực và điều phối chiến lược đã tạo nên một vùng kinh tế mạnh thực sự - không chỉ về quy mô, mà còn về chiều sâu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Việt Nam cần nhiều hơn những mô hình như vậy. Và sự ra đời của Nghị quyết 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 đã thể hiện đúng mong muốn và tinh thần phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình. Cụm liên kết TP.HCM - Bình Dương - BRVT xứng đáng được xem là hạt nhân tăng trưởng, không chỉ cho miền Nam, mà cho toàn quốc và cả tiểu vùng Đông Nam Á.

Huỳnh Hoàng