Kinh tế TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng, tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" trong quý II
Trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM giữ vững đà tăng trưởng với nhiều kết quả tích cực. Thành phố cũng tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển...
Đây là nội dung cuộc họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5/2025 vừa diễn ra ngày 8/5. Cuộc họp do các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và Bùi Xuân Cường đồng chủ trì.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, tổng thu từ du lịch của TP.HCM ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6%. Lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của Thành phố vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) của Thành phố.

Thành phố cũng ghi nhận kết quả tích cực trong lĩnh vực lao động - việc làm. Trong tháng 4, đã có 27.633 lượt người được giải quyết việc làm. Trong đó, có 12.350 việc làm mới. TP.HCM cũng đã cấp 1.720 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài…
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, TP.HCM vẫn đối mặt không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn là những biến động khó lường của thương mại quốc tế và chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu có thị trường chính tại đây.
Bên cạnh đó, 4 tháng đầu năm 2025, trong khi vốn đăng ký bổ sung của DN tăng mạnh (đạt hơn 167.000 tỷ đồng, tăng gần 74%), thì số doanh nghiệp thành lập mới lại giảm sâu, với mức giảm 34,6% về số lượng và 52,3% về vốn đăng ký. Việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 7,2% tổng vốn của năm, chưa đạt kế hoạch.
Lãnh đạo UBND TP.HCM thừa nhận tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm và yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lớn trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã tổ chức 7 cuộc họp về đầu tư công và ban hành 21 văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm.

Trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, Thành phố sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025, tập trung tháo gỡ vướng mắc tại các dự án, đẩy nhanh các dự án trọng điểm; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Cùng với đó là cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn để nâng cao hiệu quả quản lý và tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư.
Tại cuộc họp, ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá, kết quả tăng trưởng trong tháng 4, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông cho rằng, Thành phố cần phân tích kỹ hơn các vấn đề tồn tại, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư để giữ đà tăng trưởng.
Ông Trương Minh Huy Vũ cũng lưu ý, trong bối cảnh TP.HCM chuẩn bị hợp nhất với các địa phương lân cận như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố cần chủ động chuẩn bị hạ tầng, cơ chế để đón làn sóng đầu tư, kinh doanh mới. Đồng thời, cần cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các dự án cụ thể.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM cần đi đầu xây dựng những chương trình, sáng kiến mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển trong giai đoạn tới.
Ông nhấn mạnh, cần cụ thể hóa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân bằng các chương trình hành động rõ ràng, có tính khả thi cao. "Kinh tế tư nhân của TP.HCM vừa mang tính chung cả nước vừa có tính đặc thù rất cao, đặc biệt là trong các mảng dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Với đòn bẩy là khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta có thể kỳ vọng trong quý II sẽ có những chuyển biến tích cực", ông Trương Minh Huy Vũ nhận định.