Bản tin sáng 9/5: TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo phát triển mạng lưới metro với mục tiêu hoàn thành 355km trong 10 năm
Tin tức đáng chú ý sáng 9/5: TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo phát triển mạng lưới metro với mục tiêu hoàn thành 355km trong 10 năm; TP.HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, xuất hiện các xã lớn nhất và đông dân nhất cả nước; Tổng Bí thư Tô Lâm đến Nga, được đón tiếp trọng thể với nghi lễ danh dự và diễu binh tại sân bay; Một số hạng mục metro số 1 xin gia hạn đến cuối năm 2025; Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Singapore mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo phát triển mạng lưới metro với mục tiêu hoàn thành 355km trong 10 năm
Ngày 8/5, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chính thức ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM, nhằm triển khai mạnh mẽ kế hoạch xây dựng 355km đường metro từ nay đến năm 2035.
Theo đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Được - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM giữ vai trò Phó Trưởng Ban Thường trực.

Ban Chỉ đạo gồm 19 ủy viên là lãnh đạo chủ chốt của Thành phố và các cơ quan chuyên trách như UBND, các sở, ban ngành và các đơn vị cấp quận, huyện. Các phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ thực hiện các kết luận, nghị quyết quan trọng như Kết luận số 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 188 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống metro tại TP.HCM và Hà Nội. Đồng thời, Ban cũng sẽ chỉ đạo, giám sát quá trình tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo phương châm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.
Đáng chú ý, kế hoạch đầu tư metro tại TP.HCM trong giai đoạn 2025 - 2035 được chia thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 40,2 tỷ USD. Trong đó, dự án tuyến metro số 2 dự kiến khởi công vào tháng 12/2025, còn 6 tuyến còn lại sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2027.
Sở Xây dựng sẽ đảm nhiệm vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy nhân sự hiện có để triển khai nhiệm vụ. Ngoài ra, Ban cũng có trách nhiệm đề xuất giải pháp để bảo vệ, khuyến khích và phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Thành phố.
TP.HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, xuất hiện các xã lớn nhất và đông dân nhất cả nước
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã tại TP.HCM mới, trong khuôn khổ chương trình tổng thể tinh gọn bộ máy hành chính theo Nghị quyết 37 và Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo phương án đã được thống nhất giữa Bộ Nội vụ và ba địa phương gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới sau khi sáp nhập sẽ có tổng diện tích hơn 6.772 km² với quy mô dân số vượt 14 triệu người.
Toàn TP.HCM mới sẽ bao gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Trong số này, đáng chú ý là sự xuất hiện của các xã có quy mô diện tích và dân số đặc biệt lớn. Ba xã có diện tích lớn nhất là: xã Phú Giáo (192,83 km², đạt 642,77% chỉ tiêu), xã Dầu Tiếng (182,68 km², đạt 608,49%) và xã Long Hòa (166,76 km², đạt 555,87%). Đây là kết quả của quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính tại tỉnh Bình Dương.

Về quy mô dân số, TP.HCM cũng ghi nhận ba đơn vị cấp xã, phường có dân số đông nhất, gồm: phường Hiệp Bình (215.638 người, đạt 479,2% chỉ tiêu), phường Tăng Nhơn Phú (208.233 người, đạt 426,74%) và xã Bà Điểm (204.289 người, đạt tới 1.276,81% chỉ tiêu). Các đơn vị này đều thuộc địa bàn TP.HCM trước sáp nhập.
Theo thống kê, trong tổng số 168 đơn vị hành chính cấp xã mới, có 137 đơn vị đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định, trong khi 25 đơn vị chưa đạt, chủ yếu do yếu tố địa lý, lịch sử và điều kiện đặc thù. Quá trình xây dựng đề án đã được tiến hành công khai, dân chủ, với tỷ lệ cử tri đồng thuận cao, từ 88,77% đến gần 99%. 100% Hội đồng nhân dân các cấp tại ba địa phương liên quan cũng đã biểu quyết thông qua.
Tổng Bí thư Tô Lâm đến Nga, được đón tiếp trọng thể với nghi lễ danh dự và diễu binh tại sân bay
Tối 8/5 theo giờ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Matxcơva, chính thức bắt đầu chuyến thăm Nga và tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu lần đầu tiên Tổng Bí thư Tô Lâm đến Nga trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay sau khi chuyên cơ chở đoàn Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Vnukovo 2, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đã chủ trì lễ đón trọng thể. Cùng tham gia lễ đón có lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, Đại sứ Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko và phu nhân, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, cán bộ Đại sứ quán và đông đảo cộng đồng người Việt tại Nga.

Trong nghi thức lễ đón, Tổng Bí thư được mời bước trên thảm đỏ tới vị trí danh dự. Đội trưởng đội danh dự Nga chào mừng và báo cáo Tổng Bí thư, tiếp theo là nghi thức cử quốc thiều hai nước trong không khí trang nghiêm. Ngay sau đó, đội danh dự Nga thực hiện màn diễu binh trọng thể, tạo điểm nhấn ấn tượng cho buổi lễ.
Sau lễ đón tại sân bay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Phủ Thủ tướng. Dự kiến trong tối cùng ngày (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư sẽ tham dự buổi chiêu đãi do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì, dành cho lãnh đạo các quốc gia đến tham dự sự kiện kỷ niệm Chiến thắng.
Trả lời báo chí Nga trước chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam mong muốn thông qua chuyến thăm lần này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp và hy sinh của Liên Xô trong chiến thắng phát xít, đồng thời thúc đẩy quan hệ chính trị tin cậy, mở rộng hợp tác chiến lược toàn diện với Nga.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao, nhằm tạo động lực mới cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, năng lượng, khoa học, công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, góp phần đưa quan hệ Việt Nam- Nga lên tầm cao mới, vì lợi ích chung và hòa bình thế giới.
Một số hạng mục metro số 1 xin gia hạn đến cuối năm 2025
Dù đã chính thức đưa vào khai thác thương mại từ tháng 12-2024 và vận hành ổn định trong hơn bốn tháng qua, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn còn một số hạng mục phụ trợ đang tiếp tục thi công và cần được gia hạn thời gian hoàn tất đến cuối quý IV/2025. Đây là đề xuất mới nhất của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), đơn vị chủ đầu tư, gửi UBND TP.HCM để điều chỉnh thời hạn hoàn thành toàn bộ dự án phù hợp với thực tế triển khai.
Theo MAUR, đến nay toàn bộ các gói thầu chính bao gồm xây dựng, lắp đặt thiết bị (CP1a, CP1b, CP2, CP3) đã hoàn tất và được nghiệm thu. Tuy nhiên, hai gói thầu phụ trợ còn lại là CP4 - Hệ thống công nghệ thông tin cho tòa nhà vận hành O&M và xây dựng tòa nhà văn phòng O&M vẫn chưa hoàn tất do vướng mắc về mặt bằng, tích hợp kỹ thuật và chậm trễ trong mua sắm thiết bị, nhập khẩu vật tư.

Cụ thể, gói thầu CP4 trị giá hơn 106 tỷ đồng hiện đã đạt 90% khối lượng nhưng bị chậm tiến độ do chưa được bàn giao mặt bằng đúng thời hạn và cần đồng bộ kỹ thuật với nhà thầu chính Hitachi. Gói thầu xây dựng tòa nhà O&M (46 tỷ đồng), do Tổng công ty Thái Sơn thực hiện, cũng đạt 90% và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025.
Chủ đầu tư khẳng định việc điều chỉnh thời gian không ảnh hưởng đến hoạt động vận hành của metro số 1, đồng thời không làm phát sinh chi phí mới vì các hạng mục này đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2025. Hiện MAUR đang nỗ lực tháo gỡ các tranh chấp, vướng mắc kéo dài từ năm 2012, bao gồm cả việc gia hạn hợp đồng và bàn giao mặt bằng, vốn gặp nhiều khó khăn do khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở tình hình thực tế, MAUR đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành toàn bộ các hạng mục dự án metro số 1 sang cuối năm 2025, trong khi vẫn giữ nguyên khung thời gian tổng thể kết thúc dự án giai đoạn 2024 - 2028 như phê duyệt ban đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Singapore mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, chúc mừng ông Wong và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 14. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kết quả bầu cử cho thấy sự tin tưởng của nhân dân Singapore vào đường lối lãnh đạo của PAP và cá nhân Thủ tướng Wong.

Hai nhà lãnh đạo trao đổi về quan hệ song phương và nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Singapore mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thông minh và đô thị bền vững. Ông cũng đề xuất tăng cường hợp tác về điện gió, tín chỉ carbon, tài chính đổi mới và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hai Thủ tướng cam kết phối hợp chặt chẽ để hoàn tất Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2025 - 2030. Đồng thời, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.