Bình luận

Những yếu tố ngăn chiến tranh tổng lực Ấn Độ - Pakistan

Tổng Hợp 08/05/2025 - 14:35

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục leo thang thành xung đột vũ trang, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều yếu tố kiềm chế khiến tình hình chưa bùng phát thành một cuộc chiến tranh tổng lực.

Rạng sáng ngày 7/5, Ấn Độ tiến hành phóng tên lửa vào 9 mục tiêu trên lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, nhằm đáp trả vụ xả súng khiến 26 khách du lịch thiệt mạng tại Pahalgam, thuộc Jammu và Kashmir, hai tuần trước.

Phía Ấn Độ cho biết các mục tiêu bị không kích là những cơ sở mà các "nhóm khủng bố" đã sử dụng để thực hiện vụ tấn công tại Pahalgam. Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định đây là chiến dịch "có trọng tâm, tính toán, không leo thang", đồng thời bảo đảm không gây ảnh hưởng dù là nhỏ nhất đến dân thường.

Ngược lại, Pakistan tuyên bố ít nhất 31 dân thường thiệt mạng và 46 người khác bị thương do các đợt không kích và pháo kích của Ấn Độ qua biên giới. Islamabad cáo buộc New Delhi "thổi bùng ngọn lửa tại khu vực". Bộ Quốc phòng Pakistan cũng thông báo đã bắn rơi 6 phi cơ quân sự Ấn Độ và tuyên bố sẽ buộc New Delhi phải trả giá cho hành động này.

Binh sĩ Ấn Độ tại thành phố Srinagar, vùng Kashmir ngày 7/5. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ấn Độ tại thành phố Srinagar, vùng Kashmir ngày 7/5. Ảnh: AFP

Đây không phải là lần đầu tiên hai quốc gia đối đầu vì vấn đề Kashmir - vùng đất vốn được ví như "thùng thuốc súng" luôn trong tình trạng tiềm ẩn xung đột. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Pakistan, đều là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, vẫn có những cơ chế kiềm chế giúp hạn chế xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện.

"Cách Ấn Độ phản ứng, cả bằng lời nói và văn bản, đều nhấn mạnh vào luận điểm các đợt tấn công là phù hợp", ông Harsh Pant, chuyên gia phân tích tại viện chính sách Observer Research Foundation (New Delhi), phát biểu với Breaking Defense. "Họ tuyên bố các đòn đánh rất cụ thể và chính xác, không nhằm vào cơ sở quân sự Pakistan".

Kể từ khi Ấn Độ thuộc Anh bị chia tách vào tháng 8/1947 thành hai quốc gia độc lập là Pakistan (đa số Hồi giáo) và Ấn Độ (đa số Hindu), hai nước đã nhiều lần đối đầu vũ trang vào các năm 1947, 1965, 1971 và 1999, cũng như thực hiện các cuộc tập kích qua biên giới vào năm 2016 và 2019.

Phần lớn các cuộc khủng hoảng đều xoay quanh Kashmir – khu vực rộng 222.200 km² trải dài trên dãy Himalaya. Tuy vậy, các cuộc xung đột này đều được kiểm soát trong phạm vi nhất định, không leo thang thành chiến tranh tổng lực, và thường được dàn xếp thông qua đàm phán.

"Các cuộc xung đột này vẫn nằm trong giới hạn vì họ đều hiểu rõ đối phương cũng có vũ khí hạt nhân và leo thang thành chiến tranh toàn diện sẽ rất nguy hiểm. Điều này phần nào khiến mỗi bên phải có sự kiểm soát, hoặc ít nhất là thận trọng nhất định", giáo sư Ian Hall, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith (Australia), nhận định với Conversation.

Theo ước tính, Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 172 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pakistan có khoảng 170 đầu đạn tương tự.

"Tôi không cho rằng một cuộc chiến tổng lực giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ xảy ra", ông Imtiaz Gul, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu An ninh (Islamabad), chia sẻ với DW. "Năng lực hạt nhân của hai nước là biện pháp răn đe kịch bản này".

Trong diễn biến hiện tại, các động thái quân sự giữa hai bên đều cho thấy đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Ấn Độ mở rộng phạm vi tấn công, đánh sâu hơn vào lãnh thổ Pakistan, song New Delhi vẫn tuyên bố các hành động quân sự "tập trung và chính xác, theo hướng không mang bản chất leo thang căng thẳng". Các máy bay tham gia chiến dịch được cho là chỉ hoạt động trong không phận Ấn Độ.

Ở chiều ngược lại, giới chức quân sự và dân sự Pakistan mô tả các diễn biến là "một chiến thắng lớn", tuyên bố đã bắn rơi 5 tiêm kích và một máy bay không người lái của Ấn Độ. Pakistan khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào các phi cơ đối phương sau khi bị tấn công trước.

Năm 2016, binh sĩ Ấn Độ vượt Đường Kiểm soát (LoC) để tấn công các "phần tử khủng bố" sau vụ tấn công doanh trại quân đội tại Kashmir khiến 19 binh sĩ thiệt mạng. Năm 2019, không quân Ấn Độ không kích "một vị trí phiến quân" tại Pakistan để đáp trả vụ đánh bom tự sát làm 40 cảnh sát thiệt mạng tại Kashmir.

Trong cả hai trường hợp, Ấn Độ đều tuyên bố đã trả đũa thành công. Phía Pakistan lần lượt bác bỏ thông tin về vụ tấn công xuyên biên giới và khẳng định không có mục tiêu quan trọng nào bị trúng đạn.

Vì vậy, hiện tại cả Ấn Độ và Pakistan đều có cơ sở để tuyên bố chiến thắng và sẵn sàng cho việc xuống thang căng thẳng. Dù bị bắn rơi máy bay, New Delhi có thể khẳng định đã trả đũa cho thảm kịch Pahalgam. Còn Pakistan có thể nhấn mạnh rằng họ đã khôi phục thế răn đe chiến lược bằng việc hạ 5 máy bay đối phương và vẫn giữ quyền tự vệ.

"Nếu quyết tâm leo thang căng thẳng hơn nữa, Pakistan sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm vì dẫn đến một cuộc chiến không cần thiết", Washington Post nhận định.

Theo giới quan sát, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Ngày 7/5, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif tuyên bố "nếu Ấn Độ xuống thang, chúng tôi chắc chắn sẽ chấm dứt chuyện này". Cùng ngày, Pakistan cũng thông báo mở lại không phận.

"Cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều không có lợi nếu leo thang hơn nữa. Quân đội hai bên đều hiểu rõ năng lực và học thuyết quân sự của nhau, giúp hạn chế leo thang ngoài ý muốn", bà Kim Heriot-Darragh, nhà nghiên cứu tại Viện Ấn Độ, Đại học Melbourne (Australia), phân tích.

Xe tải vận chuyển một xe tăng ở thành phố Muridke, Pakistan ngày 7/5. Ảnh: AFP
Xe tải vận chuyển một xe tăng tới thành phố Muridke, Pakistan ngày 7/5. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, bà Heriot-Darragh cảnh báo rằng các cuộc xung đột dạng này thường diễn biến rất nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ tính toán sai lầm trong thực địa, do đó cộng đồng quốc tế không nên lơ là. Nhà phân tích Ian Chong tại Singapore cũng đồng tình.

"Ấn Độ và Pakistan có nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát căng thẳng, nhưng mỗi tình huống đều có tính chất riêng biệt", ông Chong nhận xét. Do đó, hai nước rất cần sự can thiệp từ bên ngoài "để tránh tình hình vượt tầm kiểm soát", đặc biệt khi cả hai đều có "sự ủng hộ trong nước để thể hiện lập trường cứng rắn".

Ngay sau đợt không kích của Ấn Độ, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế và lựa chọn giải pháp ngoại giao.

Ông Muhammad Saeed, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, cho rằng cả Ấn Độ và Pakistan sẽ cần sự hỗ trợ của các cường quốc trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Nếu cộng đồng quốc tế không gây sức ép buộc hai bên đối thoại, "chúng ta đang tự đẩy mình vào một cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại".

"Cộng đồng quốc tế phải hiểu rằng dù họ có bị phân tâm bởi chiến sự ở Ukraine hay những nơi khác, đây vẫn là một cuộc khủng hoảng âm ỉ với những hệ quả lớn tiềm ẩn", ông Saeed nhấn mạnh. "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khu vực này leo thang thành một cuộc chiến tranh mà không có các khuôn khổ kiểm soát?"

Theo Economic Times, Washington Post, Breaking Defense

Tổng Hợp