Chính sách mới

Hướng dẫn chi tiết các hình thức góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

PV 06/05/2025 - 15:54

Thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp đối với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi đã chính thức ký ban hành kế hoạch triển khai rộng rãi hoạt động lấy ý kiến đóng góp trên toàn quốc.

Thời gian lấy ý kiến được ấn định từ ngày 6/5 đến hết ngày 30/5/2025. Đối tượng tham gia bao gồm toàn thể nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Nội dung lấy ý kiến tập trung vào toàn bộ dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Người dân có thể góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VNeID

Hình thức tổ chức lấy ý kiến là các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của nhân dân.

Theo tiến độ công việc, chậm nhất ngày 30/5, các cơ quan, tổ chức, địa phương phải hoàn tất báo cáo tổng hợp ý kiến và gửi về Chính phủ (qua Bộ Tư pháp). Sau đó, Chính phủ sẽ lập báo cáo tổng hợp chung và chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (qua Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 5/6.

Kế hoạch nhấn mạnh quá trình lấy ý kiến phải bảo đảm các nguyên tắc: dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất; đồng thời tuân thủ tiến độ và tiết kiệm ngân sách.

Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp được xác định là yếu tố quyết định hiệu quả triển khai. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần được đề cao, bên cạnh việc tăng cường phối hợp liên ngành.

Việc lấy ý kiến cần áp dụng các hình thức đa dạng, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin từ thực tiễn.

Mọi ý kiến đóng góp của nhân dân và các tổ chức, ngành, cấp phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực và có trách nhiệm giải trình. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bên cạnh đó, kế hoạch yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, cần kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Các tài liệu phục vụ lấy ý kiến bao gồm: Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo; Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; Bản thuyết minh dự thảo nghị quyết và Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi với quy định hiện hành.

Tất cả tài liệu trên được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố, nhằm bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận cho mọi tầng lớp nhân dân.

PV