Toàn cảnh

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm hình sự trong kinh doanh vàng

PV 06/05/2025 - 14:29

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, diễn ra vào ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu Bộ Công an kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm hình sự liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với các thuận lợi, cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm then chốt để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng lực tự chủ và sức cạnh tranh quốc gia.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, Thủ tướng khẳng định cần có quyết tâm cao và nỗ lực vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đang tạo ra áp lực lớn. Chính phủ xác định định hướng phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Bốn trọng tâm chiến lược được nhấn mạnh gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài.

img2600-1746512904884928125813-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương chủ động rà soát, khắc phục những bất cập hiện hữu, tập trung vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính hai cấp; chuyển đổi từ thụ động sang chủ động trong giải quyết thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, yêu cầu triển khai hiệu quả "bộ tứ chiến lược" theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, bao gồm khẩn trương trình Quốc hội và Chính phủ các chương trình hành động cụ thể để thực thi Nghị quyết 66 và 68.

Thủ tướng chỉ đạo cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án và tiến hành đàm phán hiệu quả với Mỹ theo nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đảm bảo các nội dung đàm phán không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, thúc đẩy ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại phù hợp với nhu cầu trong nước, đồng thời bảo đảm cân bằng thương mại bền vững với các đối tác.

Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trong nước, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Ngành ngân hàng được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Đặc biệt, đối với thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường. Bộ Công an được giao nhiệm vụ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hình sự; đồng thời, các cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Chính sách tài khóa cần nỗ lực tăng thu ngân sách tối thiểu 15% trong năm 2025 để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư công, linh hoạt điều chuyển vốn đối với các dự án kém hiệu quả; thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, hoàn thuế VAT nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các dự án đầu tư.

Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy phát hành trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình ra công chúng; khai thác triệt để các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát triển mạnh mẽ các động lực mới.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai các phương án chuyển nhượng, chuyển quyền khai thác các tuyến đường cao tốc theo quy định. Chính sách thị thực cần được điều chỉnh theo hướng chủ động, linh hoạt nhằm mở rộng đối tượng và địa bàn, từ đó tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, yêu cầu chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là xây dựng đề án phát triển công nghiệp giải trí, một ngành kinh tế có tiềm năng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng trong tương lai.

PV