Toàn cảnh

Đại lễ Phật đản Vesak 2025: Lan tỏa tinh thần đoàn kết, bao dung và tôn vinh nhân phẩm con người

Nhật Hưng 06/05/2025 07:30

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2025 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 8 giờ ngày 6/5 và kéo dài đến ngày 8/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây là lần thứ 4 trong vòng 17 năm, Việt Nam được vinh dự đăng cai sự kiện tôn giáo và văn hóa quốc tế trọng đại này, sau các kỳ tổ chức thành công tại Hà Nội (2008), Ninh Bình (2014) và Hà Nam (2019).

Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Vesak 2025 khẳng định vai trò dẫn dắt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc lan tỏa các giá trị cốt lõi của Phật pháp giữa bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Đại lễ năm nay có sự hiện diện của khoảng 1.250 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, lãnh đạo tối cao của các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới, cùng nhiều học giả, giáo sư, tiến sĩ đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học danh tiếng toàn cầu.

Ngoài các đại biểu Phật giáo, nhiều nguyên thủ quốc gia cũng sẽ tham dự đại lễ, trong đó có Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli và Thủ tướng Ấn Độ Kiren Rijiju. Chủ tịch nước Lương Cường sẽ phát biểu tại lễ khai mạc, khẳng định thông điệp về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hội nhập.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Lan tỏa tinh thần đoàn kết, bao dung, vì hòa bình thế giới | Báo Dân tộc và Phát triển

Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là sự kiện tâm linh quan trọng, mà còn là diễn đàn đối thoại quốc tế nhằm thảo luận các chủ đề thiết thực như: nuôi dưỡng bình an nội tâm, chánh niệm trong giáo dục, từ bi hành động, hợp tác toàn cầu vì sự phát triển con người và gìn giữ hòa bình. Gần 1.000 tham luận song ngữ Việt - Anh đã được gửi đến Ban tổ chức, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng học thuật và Phật giáo quốc tế đối với sứ mệnh của Đại lễ.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Vesak 2025, đại lễ là dịp quan trọng để khẳng định vai trò ngày càng tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân ái, yêu chuộng hòa bình và văn minh.

Trong khuôn khổ đại lễ, nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa quy mô lớn sẽ được tổ chức: lễ thượng kỳ lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới (500 m²), thắp sáng 35.000 hoa đăng cầu quốc thái dân an với sự tham gia của hơn 2.000 người, triển lãm thư tịch cổ và 87 bảo vật Quốc gia của Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt, Phật tử và người dân sẽ có dịp chiêm bái xá lợi Đức Phật được cung thỉnh từ Ấn Độ và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức - bảo vật quốc gia lần đầu tiên được trưng bày rộng rãi sau 34 năm lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhiều tháng qua, TP.HCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và nhân sự cho sự kiện. Khoảng 13.000 tình nguyện viên, bao gồm sinh viên, Tăng Ni và Phật tử đã được huy động để phục vụ hậu cần, với khả năng cung cấp đến 100.000 suất cơm chay mỗi ngày.

Khu vực chế biến và phục vụ thực phẩm chay được bố trí khoa học, gồm khu nấu ăn rộng 5.000 m² và khu buffet chay 4.600 m², giới thiệu gần 200 món ăn thuần chay.

Theo truyền thống Phật giáo, ngày lễ Vesak tưởng niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn. Dù các quốc gia Phật giáo tổ chức lễ vào những thời điểm khác nhau, ngày 15/4 âm lịch được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày Phật đản quốc tế từ năm 1999.

Kể từ năm 2000, khi Vesak lần đầu tiên được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, sự kiện đã trở thành biểu tượng của sự gắn kết tâm linh, trí tuệ và từ bi giữa các nền văn hóa và quốc gia.

Vesak 2025 tại Việt Nam hứa hẹn là dấu mốc quan trọng, góp phần củng cố các giá trị nhân văn toàn cầu, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh và lan tỏa thông điệp yêu thương, hòa hợp đến cộng đồng quốc tế.

Nhật Hưng