Toàn cảnh

Bản tin trưa 5/5: VinFast ra mắt xe buýt cỡ nhỏ và xe chuyên chở học sinh

Thanh An 05/05/2025 12:00

Tin tức đáng chú ý trưa 5/5: Tổng Bí thư Tô Lâm lên đường thăm Liên bang Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus; VinFast ra mắt xe buýt cỡ nhỏ và xe chuyên chở học sinh; Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Thủ tướng yêu cầu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính; ADB cam kết hỗ trợ 40 tỷ USD cho an ninh lương thực.

Tổng Bí thư Tô Lâm lên đường thăm Liên bang Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus

Ngày 5/5, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm Liên bang Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại được xác định tại Đại hội XIII của Đảng: Độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm chọn Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus - các quốc gia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ công tác đối ngoại cấp cao cho thấy tầm quan trọng của khu vực Á - Âu trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam.

tbt-to-lam-220250504161516.jpg

Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao có nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự chuẩn bị toàn diện và sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với chuyến công du này.

Trong số đó, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an.

Cùng tham gia còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, bao gồm: Ông Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế. Đoàn còn có Trợ lý Tổng Bí thư Tô Ân Xô, cùng các Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến có các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao với lãnh đạo các nước bạn, trao đổi sâu rộng về phương hướng tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa và giao lưu nhân dân.

VinFast ra mắt xe buýt cỡ nhỏ và xe chuyên chở học sinh

VinFast vừa ra mắt dòng xe buýt điện cỡ nhỏ EB 6 cùng phiên bản xe chuyên chở học sinh (school bus) có thể tích hợp các công nghệ giám sát tiên tiến, giúp đảm bảo an toàn tối đa và không để xảy ra trường hợp bỏ quên học sinh trên xe.

Dòng xe buýt điện mới của VinFast có kích thước chiều dài x rộng x cao lần lượt là 6,2 x 2,200 x 2,9m; khoảng sáng gầm xe đầy tải tối thiểu 180mm, phù hợp với điều kiện vận hành tại các đô thị lớn và liên tỉnh. Xe được trang bị một động cơ điện có công suất tối đa 140kW, mô-men xoắn cực đại 420Nm, hệ dẫn động cầu sau, có tốc độ tối đa 90km/h.

eadasd-1746415616.jpg

Với bộ pin LFP có dung lượng 179,5kWh, VinFast EB 6 có khả năng di chuyển hơn 250km sau mỗi lần sạc đầy. Thời gian sạc từ 20% lên 80% pin trong vòng 70 phút, với công suất sạc nhanh DC tối đa là 120kW.

VinFast EB 6 có hai phiên bản gồm xe buýt điện đô thị và xe chuyên chở học sinh, sử dụng chung nền tảng thiết kế, khung gầm và động cơ. Điểm khác là phiên bản xe buýt điện đô thị được trang bị 11 ghế ngồi cho hành khách, 1 chỗ cho xe lăn, 1 chỗ cho tài xế và 17 chỗ đứng, tổng sức chứa 30 người, đi kèm là các trang bị tiêu chuẩn phục vụ việc vận hành xe buýt như tay nắm, nút bấm xuống xe...

Trong khi đó, phiên bản xe chuyên chở học sinh hoặc có thể sử dụng làm xe chở khách liên tỉnh có sức chứa 20 người, bao gồm 19 ghế ngồi cho hành khách và 1 chỗ cho tài xế, được trang bị dây an toàn cho từng ghế và một số tiện nghi, công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tế. Các trang bị này có thể bao gồm: túi cứu thương; camera giám sát khu vực tài xế; hệ thống điểm danh, cảnh báo để đảm bảo không bỏ quên học sinh trên xe; hay ứng dụng cho phụ huynh, học sinh và ứng dụng thanh toán, tích điểm…

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Sáng 5/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp lịch sử, thời gian diễn ra dài nhất và xem xét, quyết định nhiều dự án luật nhất.

Vào lúc 8 giờ cùng ngày, Quốc hội đã tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Vào 9 giờ sáng cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên khai mạc tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1).

040520250205-z6567033017201a7fe870826b025e971e92406b48eca1f-174634691098877705238.jpg

Phát biểu tại họp báo chiều 4/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương XI. Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cùng với đó, tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển; khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 luật trực tiếp điều chỉnh các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và 1 nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp ý kiến xây dựng, chất lượng cao nhất.

Thủ tướng yêu cầu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ.

Công điện nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện và 8 bộ, ngành, 52 địa phương đã hoàn thành việc tổng hợp, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính nội bộ. Tuy nhiên, còn 8 bộ, cơ quan ngang bộ và 11 địa phương chưa hoàn thành tổng hợp, thống kê, công bố, công khai thủ tục hành chính trước ngày 30/4/2025 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

tthc-1701936293062563382107-16312260.jpeg

Để thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ, đạt mục tiêu Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng 8 bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Công an, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam rút kinh nghiệm về việc chậm triển khai thực hiện tổng hợp, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và công bố, công khai đầy đủ thủ tục hành chính nội bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ; khẩn trương hoàn thành chậm nhất trước ngày 8/5/2025, gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính cũng phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

100% thủ tục hành chính nội bộ được cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Hoàn thành theo đúng tiến độ được giao tại Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.

ADB cam kết hỗ trợ 40 tỷ USD cho an ninh lương thực

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố kế hoạch mở rộng hỗ trợ cho an ninh lương thực và dinh dưỡng dài hạn ở châu Á và Thái Bình Dương thêm 26 tỷ USD, nâng tổng số tiền tài trợ cho các sáng kiến an ninh lương thực lên 40 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2030.

Khoản hỗ trợ này sẽ tài trợ cho một chương trình toàn diện bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất lương thực, từ canh tác, chế biến đến phân phối và tiêu thụ.

Thông qua tài trợ và hỗ trợ chính sách cho các chính phủ và công ty, chương trình này nhằm giúp châu Á và Thái Bình Dương tạo ra lương thực đa dạng và bổ dưỡng, tạo việc làm, giảm tác động đến môi trường và thúc đẩy chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững.

luong-thuc-1693.jpg

ADB còn cho biết thêm, sự hỗ trợ mở rộng này sẽ giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, cải thiện chế độ dinh dưỡng và bảo vệ môi trường tự nhiên, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Nó sẽ thúc đẩy sự thay đổi trên toàn bộ chuỗi giá trị lương thực, từ cách thức trồng trọt và chế biến đến cách thức phân phối và tiêu thụ lương thực.

Tham vọng mới này dựa trên cam kết của ADB vào tháng 9 năm 2022 về việc đầu tư 14 tỷ USD vào năm 2025 để cải thiện an ninh lương thực và giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực. Đến cuối năm 2024, ADB đã cam kết 11 tỷ USD - khoảng 80% phân bổ ban đầu - với thêm 3,3 tỷ USD đầu tư được lên kế hoạch cho năm 2025.

Khoản tài trợ bổ sung 26 tỷ USD bao gồm 18,5 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp của ADB cho các chính phủ và 7,5 tỷ USD đầu tư cho khu vực tư nhân. Đến năm 2030, ADB đặt mục tiêu các khoản đầu tư của khu vực tư nhân sẽ chiếm hơn 27% trong tổng số 40 tỷ USD của chương trình - nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống lương thực.

Thanh An