Bản tin tổng hợp

Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững

Minh Tèo 02/05/2025 18:00

Đây là chủ đề Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm 2025 (Vesak 2025), do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP.HCM. Sự kiện dự kiến chào đón sự tham dự của các đoàn đại biểu Phật giáo đến từ hơn 80 quốc gia và 5 vùng lãnh thổ, cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.

Vesak 2025 diễn ra vào dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

Vesak 2025 còn là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn đối với Việt Nam trong năm 2025.

Sự kiện còn là dịp giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp; là dịp để thế giới chứng kiến một TP.HCM năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng và giàu giá trị nghĩa tình sau 50 năm thống nhất đất nước.

tp.jpg
Khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak 2025. Ảnh: Toàn Vũ

Sự kiện cũng thể hiện rõ nét hình ảnh một Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển năng động và đang vươn mình mạnh mẽ cùng thế giới trong kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, Vesak 2025 còn là dịp để Việt Nam khẳng định trước cộng đồng quốc tế chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Với ý nghĩa, tầm vóc và giá trị nhân văn sâu sắc của Vesak 2025, chiều ngày 2/5, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại lễ, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, tổ chức lễ khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Vesak 2025.

Tham dự buổi lễ có đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; hơn 70 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM.

tp1.jpg
Quang cảnh phía trong Trung tâm báo chí. Ảnh: Toàn Vũ

Cũng trong chiều 2/5, Ban tổ chức đã tổ chức họp báo, cung cấp và giải đáp nhiều nội dung quan trọng cho phóng viên, biên tập viên các báo, đài đến tham dự.

Tại họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Vesak 2025 nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu quốc tế, lãnh đạo cấp Nhà nước và TP.HCM, cũng như các tăng ni, phật tử.

"Trang thiết bị ở đây được UBND TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM… cung cấp, hỗ trợ. Ban tổ chức mong muốn các phóng viên, báo chí, biên tập viên sẽ tác nghiệp thuận lợi nhất để cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh trung thực, đẹp nhất về Đại lễ đến đông đảo độc giả", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói và cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1.300 đại biểu quốc tế và hơn 1.500 đại biểu trong nước đăng ký tham dự.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Ban Tổ chức đã phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị liên quan, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị trong vòng hai ngày qua. Đến nay, Trung tâm Báo chí đã hoàn thiện và sẵn sàng đi vào hoạt động, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện làm việc cho báo chí.

Chia sẻ thêm về Đại lễ, Thượng tọa Thích Tâm Hải - Phó trưởng ban Truyền thông cho biết, Đại lễ lần này có nhiều hoạt động phong phú và chưa từng có tiền lệ. Thông qua Trung tâm Báo chí, Thượng tọa Thích Tâm Hải mong muốn tạo điều kiện để phóng viên trong nước và quốc tế có môi trường tác nghiệp tốt để truyền tải kịp thời, đa dạng, đầy đủ thông tin về Đại lễ.

tp3.jpg
Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ mong muốn thông qua Trung tâm Báo chí, các phóng viên, biên tập viên sẽ tác nghiệp thuận lợi để cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh trung thực, đẹp nhất về Đại lễ đến độc giả. Ảnh: Toàn Vũ

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải Vesak 2025, có 7 hoạt động chính đặc sắc sẽ diễn ra, gồm: Chương trình Nghệ thuật tổ chức tại Công viên Văn hóa Láng Le (huyện Bình Chánh) với sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ...; Lần đầu tiên, triển lãm 87 bảo vật Quốc gia của Phật giáo Việt Nam đến với Tăng Ni, Phật tử, công chúng trong và ngoài nước; Lễ Thượng kỳ với lá cờ 500m, cùng khí cầu hòa bình cao 10m sẽ được thực hiện và đại diện các nước tham dự sẽ ký tên lưu niệm trên khí cầu.

Bên cạnh đó còn có chương trình Trà đạo đặc sắc; Lễ hội Hoa đăng dự kiến thu hút khoảng 12.000 người tham dự vào tối ngày 6/5 diễn ra trong khuôn viên Công viên Láng Le; Hội chợ Văn hóa được tổ chức tại Công viên Láng Le và trao tặng những món quà lưu niệm ý nghĩa cho những người tham gia Vesak 2025.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và hình thức, Vesak 2025 tại Việt Nam hứa hẹn sẽ là một sự kiện văn hóa, tôn giáo tầm cỡ quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam yêu hòa bình, tôn trọng các giá trị nhân văn sâu sắc.

Về phía chính quyền TP.HCM, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi cho hay, bắt đầu từ hôm nay - khi Trung tâm Báo chí khai trương, mỗi ngày Ban Tổ chức đều cung cấp thông tin chính thức, cập nhật đến các cơ quan báo chí.

Cũng theo ông Ngọc Hồi, các đơn vị phối hợp sẽ nhanh chóng chia sẻ thông tin, hình ảnh của các hoạt động qua kho dữ liệu chứa trong QR code do Ban Tổ chức chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên Thành phố đăng cai tổ chức Đại lễ nên mọi công tác đều được chuẩn bị chu đáo, chỉnh chu, đặc biệt là công tác đón tiếp đại biểu và truyền thông quốc tế.

Ban tổ chức sẽ tổ chức điểm đón, rước báo chí tại 2 điểm: Trung tâm báo chí Thành phố (số 255 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) và tại Chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3).

tp4.jpg
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Toàn Vũ

Thông tin thêm, ông Nguyễn Duy Tân - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo TP.HCM cho biết, quá trình chuẩn bị cho Vesak 2025, TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tất các khâu chuẩn bị.

Ông Tân cho biết thêm, sáng 2/5 ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đã ra cung đón Xá lợi Đức Phật cùng với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.

Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ Vesak 2025 có hệ thống bàn làm việc, máy tính, máy in hiện đại, mạng internet với đường truyền tốc độ cao, đảm bảo cho hơn 200 tài khoản tác nghiệp cùng một lúc.

Cạnh đó, các nhà mạng viễn thông cũng lắp đặt và hoàn tất việc phủ sóng 5G cho toàn bộ khu vực diễn ra Vesak 2025.

tp5.jpg
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo TP.HCM Nguyễn Duy Tân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Toàn Vũ

Cùng với việc đảm bảo trang thiết bị, Trung tâm Báo chí phục vụ Vesak 2025 cũng trang bị môi trường làm việc mát mẻ, rộng rãi, cung cấp nước uống và thực phẩm chay, hỗ trợ phóng viên, biên tập viên báo chí trong nước và quốc tế tác nghiệp thuận lợi nhất tại sự kiện.

Vesak 2025 cũng là diễn đàn học thuật quy mô với hơn 950 bài tham luận bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bàn về vai trò của Phật giáo trong kiến tạo hòa bình, phát triển bền vững và giáo dục nhân văn trong thế giới hiện đại.

tp-6.jpg
Xá lợi Đức Phật - bảo vật quốc gia Ấn Độ đã về đến chùa Thanh Tâm để chuẩn bị cho người dân và du khách chiêm bái trong dịp Vesak 2025

Vesak 2025 còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè năm châu, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, giao lưu quốc tế và thu hút đầu tư.

Sự kiện góp phần thúc đẩy TP.HCM và các địa phương trong cả nước trở thành những điểm đến hấp dẫn, thể hiện tiềm năng phát triển và sự cởi mở, thân thiện của Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

Minh Tèo