Toàn cảnh

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2025

NH 01/05/2025 - 10:59

Bước sang tháng 5/2025, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan đến giáo dục, an sinh xã hội, đầu tư tài chính và hành chính công chính thức có hiệu lực. Những điều chỉnh này phản ánh nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao phúc lợi xã hội và tăng cường thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng: Bỏ xét tuyển sớm

Thông tư 06/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 5/5, đã có những sửa đổi đáng chú ý về quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng. Theo đó, hình thức xét tuyển sớm, bao gồm xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) sẽ không còn là một đợt tuyển sinh riêng biệt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, tất cả phương thức xét tuyển đều phải thực hiện đồng thời và được quy đổi về cùng một thang điểm, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong xét tuyển.

1-8158-3397.jpg.jpg

Ngoài ra, điểm cộng khuyến khích, thưởng cho thí sinh có thành tích đặc biệt hoặc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không vượt quá 10% thang điểm tối đa (ví dụ 3 điểm trên thang 30). Bộ cũng yêu cầu các tổ hợp xét tuyển phải bao gồm ít nhất ba môn, trong đó bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số không dưới 25%.

Các trường có thể quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ để tính điểm môn tương ứng, song trọng số không vượt quá 50% tổng điểm tổ hợp. Đối với phương thức xét học bạ, chỉ được sử dụng kết quả cả năm lớp 12 với tỷ lệ tối thiểu 25%. Đặc biệt, thí sinh diện tuyển thẳng không còn được xác nhận nhập học sớm như trước mà phải đăng ký nguyện vọng theo quy định chung của Bộ.

Tăng mức hỗ trợ học sinh vùng khó khăn

Hiệu lực từ 1/5, Nghị định 66/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo và người trong diện hưởng chính sách.

Cụ thể, trẻ em học bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa 360.000 đồng/tháng, thời gian hưởng không quá 9 tháng/năm học. Học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn 936.000 đồng, tăng khoảng 20% so với hiện nay.

Nếu học sinh và học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí được trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc được hỗ trợ 360.000 đồng.

Ngoài ra, học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo. Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 được hưởng thêm một tháng các chính sách trên.

Học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được cấp chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với kinh phí 1,08 triệu đồng. Mỗi năm học, học sinh được cấp hai bộ quần áo đồng phục và vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với kinh phí 1,08 triệu đồng.

Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng. Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp Tết Nguyên đán.

Điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng

Nghị định số 69/2025 hiệu lực từ 19/5, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ một số trường hợp. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam.

Dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc.

Tăng mức phụ cấp công tác phí cho cán bộ, công chức

Thông tư 12/2025 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 4/5. Trong đó, phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị.

Chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác là 300.000 đồng/ngày, tăng 100.000 đồng/ngày so với quy định hiện nay. Trường hợp đi công tác trong ngày, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi trong ngày, quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/người/ngày, tăng 150.000 đồng so với hiện nay. Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.

Hà Nội ban hành khung giá dịch vụ quản lý nhà chung cư

Từ ngày 1/5, Hà Nội áp dụng khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Cụ thể, nhà chung cư không có thang máy có mức giá 700 đến 5.000 đồng/m2/tháng; nhà có thang máy từ 1.200 đến 16.500 đồng/m2/tháng.

Khung giá trên không áp dụng cho các dịch vụ cao cấp, nhà ở xã hội, nhà chung cư cũ chưa cải tạo và các trường hợp đã thống nhất giá qua Hội nghị nhà chung cư hoặc trong hợp đồng mua bán, thuê căn hộ

NH