Toàn cảnh

5 dấu ấn kinh tế tiêu biểu của TP.HCM sau 50 năm phát triển

PV 01/05/2025 06:00

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), UBND TP.HCM đã tổ chức bình chọn trực tuyến 50 sự kiện nổi bật phản ánh hành trình phát triển toàn diện của Thành phố. Trong số đó, có 5 dấu mốc kinh tế được đánh giá là những cột trụ quan trọng, thể hiện bản lĩnh tiên phong và vai trò đầu tàu của TP.HCM trong công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

1. "Xé rào" cơ chế, bước ngoặt tư duy về giá cả và lưu thông hàng hóa

Một trong những dấu ấn kinh tế đầu tiên và táo bạo nhất của TP.HCM sau ngày thống nhất là việc chủ động phá bỏ cơ chế giá mua lúa gạo lỗi thời, vốn là sản phẩm điển hình của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong bối cảnh cuối thập niên 1970, đầu 1980, khi cả nước áp dụng mô hình bao cấp, việc phân phối lương thực được thực hiện thông qua chỉ tiêu và giá bắt buộc, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung và làm suy giảm động lực sản xuất.

Trong tình hình đó, lãnh đạo TP.HCM đã có quyết định đầy tính đột phá. Giám đốc Công ty Lương thực Thành phố, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, đã dẫn đoàn xe trực tiếp xuống Đồng bằng sông Cửu Long thu mua lúa với mức giá 2,5 đồng/kg, cao gấp gần 5 lần mức giá chỉ đạo của Nhà nước (0,52 đồng/kg). Gạo được vận chuyển về Sài Gòn và bán ra với giá phản ánh đúng chi phí thực tế: giá mua + chi phí xay xát + chi phí vận chuyển + lợi nhuận hợp lý.

Sự kiện này đã kích hoạt làn sóng “phá giá” trên toàn vùng Đồng bằng Nam Bộ, khiến giá chỉ đạo gần như bị vô hiệu hóa, buộc các địa phương khác phải điều chỉnh theo. Không chỉ cứu nguy cho thị trường lương thực của Thành phố, hành động này còn góp phần làm thay đổi nhận thức về vai trò của giá cả thị trường trong lưu thông hàng hóa và kích thích sản xuất. Đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình đổi mới tư duy kinh tế tại Việt Nam.

TPHCM bao nhiêu mét vuông? – Chi tiết 24 quận huyện

Trong bối cảnh ấy, Thành ủy TP.HCM không chỉ hành động quyết liệt mà còn chủ động báo cáo với Trung ương, đề xuất giải pháp trên cơ sở thực tiễn. Năm 1982 - 1983, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổng hợp tình hình, trình bày cặn kẽ với Bộ Chính trị về những bước đi đổi mới đang được triển khai tại địa phương. Sau khi phân tích thấu đáo, Trung ương đã bày tỏ sự ủng hộ, ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sáng tạo của Thành phố.

Hành động “xé rào” ban đầu, từ chỗ bị xem là “làm lén”, dần được nhìn nhận như một giải pháp khẩn thiết và hiệu quả trong bối cảnh khủng hoảng. Về lâu dài, đây chính là chất xúc tác quan trọng cho việc hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng tại Đại hội VI năm 1986.

2. Mở cửa đầu tư, thành lập khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam

Nếu cú “phá rào” về giá gạo là khởi đầu đổi mới tư duy kinh tế thì sự kiện ra đời Khu chế xuất Tân Thuận vào năm 1991 lại là dấu mốc đánh dấu bước chuyển mình sang giai đoạn thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế.

Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của cả nước, được quy hoạch và vận hành theo mô hình đặc biệt nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ban đầu chủ yếu từ các doanh nghiệp Đài Loan. Không chỉ tạo cú hích trong dòng vốn FDI, khu chế xuất còn mở ra một mô hình quản trị và sản xuất mới, gắn với tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động và hạ tầng hiện đại.

Thành công của Khu chế xuất Tân Thuận, cùng với Khu chế xuất Linh Trung sau đó, đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt khu công nghiệp - khu chế xuất trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Thành phố đã đặt ra 5 mục tiêu chiến lược cho mô hình này đó là: Thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước; Giải quyết việc làm cho người lao động; Du nhập công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại; Tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đô thị tại các vùng ven.

3. Saigon Co.op - từ hợp tác xã nhỏ thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu

Dấu mốc thứ ba gắn liền với sự ra đời của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vào giữa năm 1989. Trong bối cảnh mô hình hợp tác xã đang bị hoài nghi về hiệu quả, việc thành lập Saigon Co.op là một bước đi chiến lược của lãnh đạo Thành phố nhằm đổi mới tổ chức phân phối hàng hóa theo hướng hiệu quả, hiện đại và gần gũi với thị trường.

Khởi đầu với quy mô khiêm tốn và nguồn lực hạn chế, nhưng với sự kiên định và định hướng đúng đắn, Saigon Co.op từng bước phát triển vượt bậc. Tính đến nay, hệ thống này đã sở hữu: 123 siêu thị và đại siêu thị; 700 cửa hàng tiện lợi; 4 trung tâm thương mại - dịch vụ; Hệ thống khách sạn, bất động sản thương mại trải rộng khắp 43 tỉnh, thành phố; Hơn 14.000 lao động; Tổng doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng/năm; Tổng tài sản hơn 20.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng.

Không chỉ là đơn vị bán lẻ hàng đầu, Saigon Co.op còn giữ vai trò xương sống trong các chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt hiệu quả trong các giai đoạn khủng hoảng như đại dịch COVID-19 hay thiên tai lớn. Đây cũng là minh chứng thành công cho mô hình kinh tế tập thể kiểu mới - hiện đại, minh bạch, cạnh tranh.

4. Chương trình Bình ổn thị trường - bảo vệ sức mua, giữ ổn định xã hội

Được triển khai lần đầu vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ năm 2002, Chương trình Bình ổn thị trường ra đời trong bối cảnh giá cả hàng hóa thường tăng mạnh vào mùa cao điểm lễ, Tết. Với chính sách ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp để sản xuất, dự trữ và phân phối hàng hóa thiết yếu, chương trình giúp bình ổn giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ một mô hình có tính chất ngắn hạn, chương trình đã được duy trì và mở rộng suốt hơn 20 năm qua, trở thành công cụ điều tiết thị trường hiệu quả, bền vững và thích ứng theo quy luật cung cầu.

Chương trình giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân tiếp cận hàng hóa thiết yếu với giá hợp lý, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, biến động giá nhiên liệu, hay đứt gãy chuỗi cung ứng.

5. Thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, khai thông dòng vốn cho nền kinh tế

Ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động, mở đầu cho một chương mới của thị trường vốn Việt Nam. Đây là cơ sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của cả nước, được kỳ vọng trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.

Trong hơn 2 thập niên phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc về quy mô, tính minh bạch, số lượng doanh nghiệp niêm yết và giá trị vốn hóa. Sự hiện diện của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn xã hội, đồng thời hình thành văn hóa đầu tư hiện đại trong cộng đồng.

PV