Trong nước

Số 5 Châu Văn Liêm: Từ Thương hội Liên Thành đến doanh nhân thời đại mới (Bài 2)

AV 22/04/2025 11:00

Liệu khởi nghiệp có thể là một hành động yêu nước? Hơn một thế kỷ trước, những thương nhân như Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất sáng lập Thương hội Liên Thành đã trả lời bằng hành động: kinh doanh để nuôi dưỡng dân khí, gây quỹ cứu nước và giữ gìn hồn văn hóa dân tộc. Một trăm năm sau, ngọn lửa đó vẫn cháy lên trong thế hệ doanh nhân TP.HCM hôm nay, những người đang kiến tạo giá trị trong một thời đại toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ được cốt cách phụng sự dân tộc.

Kinh doanh - Một hình thức dấn thân vì quốc gia

Năm 1906, giữa bối cảnh nước mất, nhà tan, phong trào Duy Tân nổi lên như một làn sóng đổi mới từ tư duy đến hành động. Tại Bình Thuận, các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trọng Lội, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất đã lập nên Liên Thành Thương Quán, tổ chức kinh doanh nước mắm truyền thống không chỉ để sinh lợi mà còn để phụng sự quốc gia.

Lợi nhuận thu được được dùng để mở trường dạy chữ Quốc ngữ, gây quỹ cho phong trào Đông Du, giúp học sinh Việt Nam du học Nhật Bản. Liên Thành trở thành một biểu tượng thương mại dân tộc, khởi đầu cho tinh thần doanh nhân yêu nước, làm kinh doanh không chỉ để làm giàu, mà để dựng lại hồn dân tộc.

Chính trong dòng chảy lịch sử đó, Sài Gòn - Chợ Lớn trở thành nơi tập trung đông đảo giới công thương, trí thức và nhà giàu có tinh thần yêu nước. Họ âm thầm bảo trợ cho phong trào cách mạng, cung ứng tài chính, vật lực cho kháng chiến. Đặc biệt, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, nơi Nguyễn Tất Thành từng lưu trú trước khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, là một biểu tượng giao thoa lịch sử: nơi Người rời bến vì đại nghĩa và cũng là không gian khởi nguyên tinh thần doanh nhân yêu nước từ Thương hội Liên Thành.

Doanh nhân TP.HCM, từ khói lửa đến khởi nghiệp

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng nền kinh tế bao cấp khiến khu vực tư nhân dần bị thu hẹp. Chỉ đến khi Đổi mới năm 1986, tầng lớp doanh nhân mới dần được “phục hồi danh phận” – dẫu còn nhiều e dè trong xã hội.

5j0a5041.jpg
Đoàn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chụp hình lưu niệm trong căn nhà số 5 Châu Văn Liêm

Chính TP.HCM là nơi giới doanh nhân trỗi dậy đầu tiên. Từ các mô hình kinh doanh gia đình như: Minh Long, Duy Lợi, Thiên Long, Kinh Đô, đến những tập đoàn hiện đại như: PNJ, Vinamilk, Saigon Co.op, Vietravel, … tất cả đều vượt qua lửa thử của thị trường để khẳng định bản lĩnh. Họ không chỉ làm giàu hợp pháp mà còn gìn giữ chuẩn mực đạo đức, coi doanh nhân là sứ mệnh xã hội, không chỉ là một nghề.

Thế hệ doanh nhân hiện đại đang tiếp nối tinh thần phụng sự qua nhiều hình thức. Không ồn ào, không phô trương, họ chọn cách phụng sự thầm lặng mà hiệu quả, viết tiếp con đường của Thương hội Liên Thành trong một hình hài hiện đại, trong một bối cảnh mới.

Bức thư năm 1945 và ngày Doanh nhân Việt Nam

Không chỉ bằng hành động, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò doanh nhân cũng được thể hiện ngay trong những ngày đầu lập quốc. Ngày 13/10/1945, chỉ hơn một tháng sau khi tuyên bố độc lập, Bác đã viết bức thư gửi giới công thương Việt Nam: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Giới công thương cũng nên ra sức giúp Chính phủ mở mang nền kinh tế quốc dân.”

Bức thư ấy được xem như tuyên ngôn đầu tiên về vai trò song hành giữa doanh giới và Nhà nước trong sự nghiệp kiến quốc. Chính từ tinh thần này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam (2004), như một lời tri ân và khích lệ những người làm kinh tế chân chính.

4-tkts-674932.jpg
Bác Hồ với giới công thương năm 1946. Ảnh: TL

Theo suy luận của tôi: từ bước chân Người ra đi năm 1911 tại số 5 Châu Văn Liêm, đến bức thư lịch sử năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn nhận doanh nhân là một lực lượng yêu nước, đồng hành với vận mệnh quốc gia.

Ngày nay, khi doanh nhân bước ra thế giới bằng công nghệ, đổi mới sáng tạo và khát vọng toàn cầu, thì tinh thần phụng sự vẫn là “gốc rễ đạo lý” giúp họ đứng vững giữa muôn vàn thách thức.

Từ Thương hội Liên Thành đến các startup hiện đại, từ căn nhà số 5 Châu Văn Liêm đến các trung tâm đổi mới sáng tạo, từ chai nước mắm truyền thống đến công nghệ AI, tinh thần phụng sự trong khởi nghiệp vẫn nguyên vẹn: làm điều đúng, vì điều lớn, cho thành phố, cho quốc gia.

Và nếu khởi nghiệp là một cuộc ra khơi, thì lý tưởng phụng sự chính là la bàn để doanh nhân Việt Nam, dù ở thời nào, cũng biết mình đang đi về phía nào của lịch sử.

AV