Trong nước

Vận tải quý I/2025: Đường sắt bứt phá mạnh mẽ, đường biển giữ vững vị thế chủ lực

Hùng Nguyễn 10/04/2025 - 08:51

Trong bức tranh tổng thể của ngành vận tải Việt Nam quý I/2025, cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý, đường sắt bất ngờ vươn lên với mức tăng kỷ lục, trong khi đường biển tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu trong vận tải hàng hóa.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 do Tổng cục Thống kê công bố, khối lượng hàng hóa vận chuyển trong quý I đạt 715 triệu tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2024. Về luân chuyển, đạt 138,6 tỷ tấn.km, tăng 8,9%.

Riêng trong tháng 3, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 242 triệu tấn, tăng 2,7% so với tháng trước; luân chuyển đạt 45,5 tỷ tấn.km, tăng 3,8%.

Xét theo phạm vi, vận tải nội địa tiếp tục chiếm ưu thế với 703,3 triệu tấn (tăng 15,6%) và 84,3 tỷ tấn.km (tăng 7,4%). Trong khi đó, vận tải quốc tế cũng tăng trưởng ổn định với 12,5 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển (tăng 9%) và luân chuyển đạt 54,3 tỷ tấn.km (tăng 11,4%).

Nếu xét về sản lượng, vận tải đường bộ vẫn là "xương sống" của hệ thống vận tải với 525,8 triệu tấn hàng hóa được chuyên chở, chiếm tới 73,5% toàn ngành, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, về hiệu quả luân chuyển - yếu tố phản ánh tầm xa và tính chiến lược, đường biển lại nổi bật với 74,4 tỷ tấn.km, chiếm 53,6% tổng luân chuyển toàn ngành và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

1-2995.jpg

Đường thủy nội địa cũng có bước tiến khả quan, với 136,7 triệu tấn vận chuyển (tăng 12,1%) và luân chuyển đạt 15,6 tỷ tấn.km (tăng 5,6%).

Một điểm sáng đáng chú ý là sự trở lại mạnh mẽ của vận tải đường sắt sau thời gian dài trầm lắng. Trong quý I, gần 1,45 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển bằng tàu hỏa, tăng 11,8%, còn khối lượng luân chuyển đạt 762 triệu tấn.km, tăng 10,2%. Tuy vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,2% sản lượng và 0,5% luân chuyển), nhưng đây là tín hiệu tích cực cho định hướng phát triển vận tải xanh, bền vững.

Ngược chiều với xu hướng tích cực nói trên, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không dù tăng nhẹ về sản lượng (77 nghìn tấn, tăng 5,8%) nhưng lại sụt giảm tới 5,6% về luân chuyển, phản ánh sự suy yếu trong hoạt động vận chuyển đường dài, đặc biệt là quốc tế.

Bên cạnh hàng hóa, vận tải hành khách quý I/2025 cũng chứng kiến sự hồi phục rõ nét, với 1.414,2 triệu lượt người được vận chuyển, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2024. Khối lượng luân chuyển đạt 77,7 tỷ lượt khách.km, tăng 14,7%.

Dù riêng tháng 3 ghi nhận mức sụt giảm nhẹ so với tháng 2 (do nhu cầu đi lại sau Tết giảm), tổng thể quý I vẫn cho thấy xu hướng tích cực ở hầu hết các loại hình vận tải.

Đường bộ tiếp tục dẫn đầu với 1.254,7 triệu lượt hành khách, tăng 16,4%, chiếm gần 89% tổng lượng vận chuyển.

Tuy nhiên, tâm điểm của quý này chính là sự bứt phá ấn tượng của đường sắt. Lượng hành khách vận chuyển tăng tới 165,1%, trong khi luân chuyển tăng 145,4% so với quý I/2024, mức tăng hiếm thấy trong ngành vận tải nhiều năm trở lại đây.

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả tăng đột biến này có phần nhờ vào việc bổ sung số liệu từ các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và hệ thống metro tại TP.HCM, những tuyến mới đi vào vận hành ổn định và ngày càng thu hút lượng khách lớn.

Đường thủy nội địa cũng có bước chuyển tích cực khi đạt 45,6 triệu lượt người vận chuyển, tăng 26,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, hàng không vẫn tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Sản lượng đạt 12,1 triệu lượt khách (tăng 8,2%) và luân chuyển đạt 23,9 tỷ lượt khách.km (tăng 8,3%), mức tăng được đánh giá chưa tương xứng với kỳ vọng phục hồi sau dịch.

Trái ngược với các phương thức còn lại, vận tải hành khách bằng đường biển sụt giảm đáng kể do yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn sau Tết. Nhiều tuyến tàu cao tốc ra đảo buộc phải giảm tần suất hoặc tạm ngưng hoạt động.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Quảng Ngãi có sản lượng vận chuyển giảm 17,1% và luân chuyển giảm 20,7%. Bình Định giảm mạnh hơn, lần lượt 38,2% và 45,1%. Tại TP.HCM, luân chuyển giảm 0,8%, trong khi riêng tại Cần Thơ, cả vận chuyển và luân chuyển đều giảm tới 92,6% do các tuyến tàu đi Côn Đảo gần như ngưng hoạt động từ tháng 8/2024.

Nhìn chung, quý I/2025 đã khép lại với bức tranh vận tải nhiều gam sáng. Sự phục hồi rõ rệt của cả hàng hóa và hành khách, đặc biệt là sự bứt phá ngoạn mục của đường sắt và sự ổn định vững chắc của đường biển đang tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành vận tải trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các loại hình vận tải và ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, hạ tầng vẫn là những thách thức đặt ra cho các nhà quản lý trong việc phân bổ đầu tư, quy hoạch hợp lý và đẩy mạnh kết nối liên phương thức.

Hùng Nguyễn