Trong nước

Bản tin chính sách kinh doanh tuần 14/2025

Nhật Hưng 05/04/2025 06:14

Trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh. Dưới đây là tổng hợp các chính sách đáng chú ý.

Thí điểm triển khai dự án nhà ở thương mại

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 171/2024/QH15, cho phép thí điểm triển khai dự án nhà ở thương mại bằng hình thức thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất hợp pháp sẵn có. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 và kéo dài trong 5 năm.

Một điểm đột phá là việc cho phép doanh nghiệp bất động sản được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và thực hiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để phát triển dự án, với điều kiện phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Sẽ thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất từ 1/4/2025 - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Để đủ điều kiện tham gia thí điểm, khu đất dự án phải phù hợp với quy hoạch cấp huyện hoặc quy hoạch đô thị, đồng thời nằm trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được địa phương phê duyệt. Chủ đầu tư cũng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về đất đai, nhà ở, đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, đối với đất từng là đất quốc phòng hoặc an ninh, ngoài các điều kiện chung, dự án còn phải có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, tạo cơ hội sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện hữu và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Ban hành quy định mới về lương, thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/4/2025, quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Nghị định nhấn mạnh việc trả lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc thù từng ngành nghề.

Quy định cơ chế tiền lương với doanh nghiệp nhà nước áp dụng từ ngày 01/

Theo đó, quỹ lương được xác định theo hai phương pháp: căn cứ mức lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định, tùy điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Mỗi đơn vị được linh hoạt lựa chọn phương pháp áp dụng, kể cả theo lĩnh vực nếu đủ điều kiện tách bạch chỉ tiêu.

Đáng chú ý, mức lương của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc không vượt quá 10 lần lương bình quân người lao động. Quy chế trả lương phải có ý kiến tổ chức đại diện người lao động và báo cáo cơ quan chủ sở hữu trước khi thực hiện.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức lương cơ bản của Hội đồng thành viên và Kiểm soát viên, bảo đảm công khai, minh bạch và khuyến khích hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Từ ngày 20/4/2025, Thông tư số 09/2025/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết cơ chế quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022–2025.

Thông tư nêu rõ các nội dung chi nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh bền vững, gồm: xây dựng tài liệu chuyên sâu; tổ chức hội thảo, đào tạo nâng cao nhận thức; kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư; lan tỏa mô hình điển hình; và xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững

Doanh nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng các tiêu chí bền vững theo Chương trình 167 và Nghị định 80/2021/NĐ-CP. Mức hỗ trợ áp dụng theo định mức tối đa trong Nghị định 80, còn cơ chế phân bổ và sử dụng kinh phí được thực hiện theo Thông tư 52/2023/TT-BTC.

Việc ban hành Thông tư 09/2025/TT-BTC không chỉ hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mà còn tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh, thích ứng với các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong nước và toàn cầu.

Điều chỉnh mức thu phí xe ôtô cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ điều chỉnh mức phí dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong thời gian tới, với mức tăng từ 2.100 đồng/km lên 2.240 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn, tương đương 7%. Đây là bước đi nằm trong lộ trình điều chỉnh giá ba năm một lần, đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo khả năng hoàn vốn, trả nợ vay đầu tư và duy trì hiệu quả khai thác dự án.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh lần này được triển khai sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 32/2024/TT-BGTVT (ngày 13/11/2024), thay thế Thông tư 28/2021, chính thức bỏ quy định về trần giá dịch vụ cao tốc. Theo Luật Giá 2023, giá dịch vụ nay được xác định theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư hạ tầng.

Tăng phí dịch vụ sử dụng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - CafeLand.Vn

Trước đó, dù đã được Bộ GTVT đồng thuận điều chỉnh (Văn bản 15242/BGTVT-CĐCTVN ngày 29/12/2023), nhưng VEC chỉ được phép tăng phí ở mức tối đa 5% do còn vướng quy định cũ. Việc gỡ bỏ trần giá đã mở đường cho VEC thực hiện đúng lộ trình tài chính.

Mức phí mới sẽ được áp dụng sau khi VEC công khai rộng rãi thông tin đến người dân và doanh nghiệp vận tải. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong bối cảnh chi phí vận hành và lãi vay gia tăng, việc điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo tính bền vững của dự án. Các loại phương tiện chịu phí vẫn sẽ được phân loại theo Nghị định 130/2024/NĐ-CP về quản lý thu phí đường cao tốc thuộc sở hữu Nhà nước.

Đề xuất miễn thuế nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua sàn thương mại điện tử

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định mới về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng, nhằm đơn giản hóa thủ tục và hỗ trợ phát triển thương mại số.

Đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống

Theo đề xuất, mỗi cá nhân, tổ chức được miễn thuế với tổng giá trị hàng hóa không vượt quá 48 triệu đồng/năm. Bộ Tài chính cho rằng thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh cả về quy mô lẫn hình thức, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nếu thiếu kiểm soát.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra hai phương án miễn giấy phép, điều kiện và kiểm tra chuyên ngành. Một là theo danh mục hàng hóa được miễn do bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Hai là miễn kiểm tra với đơn hàng dưới 1 triệu đồng, trừ các mặt hàng bắt buộc kiểm dịch và an toàn.

Chính sách mới được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương điện tử xuyên biên giới, đồng thời, đảm bảo quản lý chặt chẽ và công bằng trong thu thuế.

Nhật Hưng