Trong nước

Chiến lược của TP.HCM trong cuộc đua dẫn dắt trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm 28/03/2025 18:20

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm vàng để xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này.

Nội dung được chia sẻ tại hội nghị "Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam" do Bộ Tài chính và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức chiều ngày 28/3. Ngoài lãnh đạo Trung ương và Thành phố, hội nghị thu hút hơn 400 khách mời là chuyên gia tài chính, đại diện quỹ đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp...

3 lợi thế để Việt Nam "đặt chân" vào chuỗi TTTC toàn cầu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để khẳng định vai trò của mình trong chuỗi TTTC toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024, GDP đạt 7,09%, nằm trong nhóm cao nhất khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục và thu hút FDI thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí chiến lược quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, là lợi thế đặc thù để hình thành TTTC. Chưa kể múi giờ của Việt Nam khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch.

Riêng TP.HCM, những năm gần đây đã được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các TTTC mới nổi toàn cầu. TP.Đà Nẵng cũng đang nổi lên là một trung tâm công nghệ, tài chính cấp vùng tiềm năng.

anh-man-hinh-2025-03-28-luc-15.00.55.png
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để khẳng định vai trò của mình trong chuỗi TTTC toàn cầu

Để hiện thực hoá việc xây dựng TTTC tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế thông qua việc tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và áp dụng các chính sách vượt trội nhằm thu hút nguồn vốn và công nghệ từ các nhà đầu tư quốc tế.

"Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng các chính sách đặc thù vượt trội, tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế và phát triển công nghệ tài chính, qua đó giúp Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính hiện đại, cạnh tranh với các trung tâm lớn trong khu vực", ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

4 lợi thế để TP.HCM đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt TTTC quốc tế tại Việt Nam

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này, bởi Thành phố sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. TP.HCM là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

anh-man-hinh-2025-03-28-luc-15.01.26.png
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng TTTC tại Việt Nam

Đồng thời, những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại của Thành phố đã được vận hành một cách bài bản. Gần đây nhất, Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế sandbox, thí điểm triển khai các hoạt động fintech và các sáng kiến chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận và ươm mầm cho các dự án công nghệ đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.

Thành phố có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, đồng thời thị trường tài chính của Thành phố đã có những kết nối chặt chẽ với các TTTC lớn trong khu vực thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại. Sân bay quốc tế cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Đặc biệt, quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, xác định phát triển TP.HCM trở thành TTTC quốc tế là nhiệm vụ chiến lược. Thành phố luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý, đồng thời phát triển hạ tầng số, công nghệ tài chính.

Việc phát triển TTTC quốc tế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho Thành phố và cả nước, mà còn tạo ra sức lan tỏa đến các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để Thành phố nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Được, việc xây dựng TTTC còn không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy lãnh đạo Thành phố rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tư vấn, các định chế tài chính, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Thành phố trong quá trình này; đề xuất các chính sách dựa trên kinh nghiệm đã thành công trên thế giới.

"Thành phố cam kết sẽ đồng hành cùng Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước để kiến tạo TTTC toàn diện, nơi quy tụ các dòng vốn chất lượng, tri thức sáng tạo, đột phá với chuẩn mực quốc tế", Chủ tịch Nguyễn Văn Được nói.

TP.HCM đẩy mạnh sự chuẩn bị cho TTTC quốc tế

Ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành TTTC quốc tế, TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng tài chính hiện đại. Một trong những ưu tiên hàng đầu là phủ sóng 100% mạng 5G và lắp đặt cáp quang tốc độ cao trong toàn khu tài chính Thủ Thiêm, đảm bảo kết nối số nhanh chóng và ổn định.

Thành phố cũng tập trung xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký, bù trừ và giao dịch chứng khoán theo chuẩn mực quốc tế. Việc thiết lập trung tâm dữ liệu và nâng cao khả năng bảo mật thông tin tài chính cũng là yếu tố then chốt nhằm bảo vệ nhà đầu tư và kiểm soát rủi ro thị trường.

Về hạ tầng giao thông, TP.HCM đang triển khai các dự án kết nối Thủ Thiêm với trung tâm Thành phố và các khu vực trọng điểm thông qua hệ thống đường bộ, metro và cầu vượt.

Đồng thời, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố cốt lõi trong việc phát triển TTTC quốc tế tại TP.HCM.

"Chính quyền Thành phố đang nghiên cứu và xây dựng chính sách thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, fintech, quản trị rủi ro... Bên cạnh các ưu đãi về thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến, Thành phố còn định hình các khu sống và làm việc đạt chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài", ông Vũ nói.

z6451346928775_5b52a84f654bc6883efd2e95e5363d0f.jpg
Các chuyên gia thảo luận về các chính sách và giải pháp cụ thể cần thiết để hình thành và phát triển TTTC tại Việt Nam

Đặc biệt, TP.HCM đang xây dựng các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy đổi mới tài chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và đảm bảo an ninh tài chính. Chính quyền Thành phố sẽ tập trung vào việc phát triển cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các dịch vụ tài chính số, ban hành ưu đãi cho tài chính xanh, cũng như hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản số và tài chính xuyên biên giới. Việc tích hợp công nghệ AI và dữ liệu lớn vào giao dịch tài chính cũng được xem là bước đi quan trọng để gia tăng tính cạnh tranh.

Không chỉ dừng lại ở chính sách nội địa, TP.HCM cũng tích cực học hỏi mô hình từ các TTTC hàng đầu như Anh, Singapore, Dubai, Kazakhstan... Đồng thời, hợp tác với TheCityUK để chia sẻ kinh nghiệm và tham gia các diễn đàn tài chính khu vực, giúp TTTC của Thành phố mở rộng khả năng hội nhập quốc tế.

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm