Phát hiện 30 website giả mạo các sàn thương mại điện tử
Trong 72 website giả mạo, lừa đảo mới được phát hiện có 30 trang giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử.
Theo Trung tâm phát triển thương mại điện tử (Ecomviet), trong tháng 1/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo. Lũy kế đến nay, số lượng website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia là gần 125.600 địa chỉ.

Đáng chú ý, trong 72 website mới được phát hiện có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao hàng Tiết kiệm, Giao hàng Nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website các cơ quan, tổ chức nhà nước và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Những website giả mạo kể trên được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị mạo danh.
Cơ quan chức năng đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình để cảnh báo sớm đến người dùng. Qua đó, góp phần ngăn chặn hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đồng thời cũng bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức mình...
Trong năm 2024, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỉ lệ là 0,45%.
Cơ quan này khuyến cáo, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025, các hình thức lừa đảo sẽ liên tục xuất hiện những hình thức biến thể mới. Do đó, bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng, cần xác minh kỹ các cuộc gọi hay trao đổi liên quan đến chuyển tiền.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị người dùng cần trang bị và cập nhật phần mềm diệt virus, an ninh cho máy tính, điện thoại di động; sử dụng mật khẩu mạnh, bật xác thực đa yếu tố để tăng cường bảo mật cho các tài khoản quan trọng như ngân hàng, email, tài khoản mạng xã hội.
Người dùng cần lưu ý, không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản; không bấm vào liên kết lạ, đặc biệt là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc; kiểm tra nguồn gốc các ứng dụng trước khi tải, hạn chế sử dụng wifi công cộng trong các giao dịch quan trọng như chuyển tiền, đăng nhập tài khoản…