Ất Tỵ kể chuyện "Tết Rắn"

Không chỉ là cuộc “chơi tranh”

Ý Nhi 03/02/2025 06:44

“Khi tôi chia sẻ những bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Đỗ Xuân Doãn, họa sĩ Trần Lưu Hậu nói tôi nên tổ chức triển lãm cho mọi người cùng xem. Đó là ý tưởng hay, bởi xã hội phát triển, ngày càng có nhiều người yêu hội họa hơn thì việc triển lãm không chỉ là cuộc “chơi tranh” mà còn khơi gợi nhiều năng lượng tích cực và nguồn cảm hứng mới cho mọi người”.

Khoảnh khắc của một năm nhiều biến chuyển

Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông hồ hởi chia sẻ với các khách mời đến tham dự buổi triển lãm tranh “Khoảnh khắc Mùa Thu”: “Khi đất nước phát triển thì hội họa cũng dần được quan tâm. Sự chuyển động tích cực này đã thúc đẩy tôi cần phải sẻ chia, kết nối nhiều người hơn đến với nghệ thuật. Vì thế, dù rất bận rộn vào dịp cuối năm, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện buổi triển lãm, không chỉ để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đẹp và có giá trị đến với công chúng và người quan tâm nghệ thuật, đây còn là dịp để chúng tôi chia sẻ những “khoảnh khắc” ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình”.

pmt.jpg

Với hơn 85% bức tranh do chính chủ nhân Phan Minh Thông sưu tầm và mượn thêm 4 bức của họa sĩ Lê Võ Tuân và 10 bức của bà Đỗ Xuân Phượng - chủ cũ phòng tranh Lotus để triển lãm thêm đa dạng chủ đề và góc nhìn hiện đại từ một họa sĩ trẻ, triển lãm “Khoảnh khắc Mùa Thu” đã mang đến cho người xem một không gian và thời gian quay ngược của năm 2024 với những nhiều khoảnh khắc biến chuyển, nhiều dấu mốc biến đổi quan trọng nhưng cũng đầy hy vọng để bước vào năm mới 2025 tươi sáng hơn, nhiều năng lượng tích cực hơn.

Đó là khoảnh khắc của sự thay đổi toàn cầu khi thế giới đứng trước cơ hội hiếm hoi để chấm dứt chiến tranh, mở ra một chương mới của hòa bình và phát triển bền vững.

Khoảnh khắc thành công của ngành nông nghiệp, bởi đây cũng là năm mà giá cà phê cao nhất 56 năm qua, cà phê Việt Nam đã vươn lên đỉnh cao trên thị trường quốc tế, đánh dấu sự khẳng định giá trị và tiềm năng của nông sản nước nhà.

Khoảnh khắc của mô hình phát triển bền vững dựa trên ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) không chỉ được lan tỏa mạnh mẽ mà còn trở thành thực tế sống động trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những tác động tích cực cho cả nông dân và người tiêu dùng.

Khoảnh khắc ngành nông nghiệp được chú trọng đúng với tầm quan trọng và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, cấp thiết mang tính toàn cầu lan tỏa khắp thế giới. Và cuối cùng là khoảnh khắc của nghệ thuật.

Nguồn cảm hứng tích cực từ tranh

Bước vào phòng triển lãm trong không gian âm nhạc, ánh đèn lung linh, với những mảng màu rực rỡ, có cả nến thơm, rượu và hoa… các tác phẩm hội họa hiện lên đẹp đến bất ngờ khiến tôi vô cùng phấn khích. Có cảm giác choáng ngợp vì xung quanh có quá nhiều bức tranh đẹp đến mê hồn. Giới thiệu cho khách xem những tác phẩm tranh do chính mình sưu tập và dừng lại trước bộ tranh của Nguyễn Tư Nghiêm được treo trong không gian triển lãm, chính Phan Minh Thông cũng không giấu được cảm xúc, ông thốt lên: “Tại sao tranh lại đẹp đến vậy và mỗi khi nhìn bức tranh này, tôi vẫn có cảm giác vô cùng mới mẻ”.

Đã nhiều lần, tôi được nghe không ít người hỏi Phan Minh Thông: “Ông sưu tập như thế nào?”, “Xem tranh như thế nào?”, “Muốn bắt đầu sưu tập thì nên bắt đầu từ đâu?”..., qua triển lãm “Khoảnh khắc Mùa Thu”, tôi tin, đây sẽ là câu trả lời và là nơi bắt đầu cho tình yêu hội họa và cũng là không gian cho việc bắt đầu sưu tập tranh của không ít người. Sẽ có thêm nhiều người nảy sinh mong muốn sưu tập tranh mà không cần thêm lời giải đáp nào khác từ CEO Phúc Sinh này nữa.

Ông Thông cũng chia sẻ: “Khi mọi người nói về tranh, về vẻ đẹp hội họa hay tỷ suất đầu tư hội họa, tôi nghĩ đó là cơ hội cho việc sưu tập, mua bán tranh bắt đầu. Mọi thứ đều có khởi đầu mà!”.

tranh-3.jpg
tran-luu-hau.jpg
lsn_9148.jpg

Từng bước chân chầm chậm từ tầng một, đến tầng hai rồi tầng ba, người xem bị cuốn vào cảm giác mê hoặc của màu sắc, của những ẩn ý từ các bức tranh. Mỗi người thưởng ngoạn tranh theo cách nhìn ngắm và suy ngẫm riêng nhưng chung lại đều cùng cảm giác bất ngờ. “Quá tuyệt! Quá xuất sắc”, nhiều người thốt lên như vậy. Bởi không ít người khi biết chủ nhân buổi triển lãm là một doanh nhân chuyên về kinh doanh nông sản, họ không nhiều kỳ vọng về buổi triển lãm sẽ có quá nhiều bức tranh gốc quý hiếm, giá trị và không gian trưng bày tranh đẹp và art (nghệ thuật) đến thế!.

Chiêm ngưỡng những bức tranh đầy màu sắc của Lê Võ Tuân được trưng bày ở tầng một, nhiều người cảm nhận được sự khắc khoải vật lộn của con người. Trong khi tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu (trưng bày ở tầng hai) lại tạo ra sự hưng phấn, xúc động cho người xem vì bộ tranh quá lộng lẫy, nhiều sắc màu.

Ông Thông kể: “Họa sĩ Đặng Phương Việt và họa sĩ Trần Lưu Hậu từng chia sẻ với tôi, họ luôn nghe nhạc cổ điển như Mozart để vẽ và khi xem tranh, hãy bật nhạc cổ điển, bạn sẽ thấy sự kết nối đó cùng những khoảnh khắc về màu sắc. Nếu mình “bôi” màu sắc mà từ người lao động như bác giúp việc, chị lao công đến ông trí thức, nhà lãnh đạo đều thấy đẹp thì đấy là ta đã “bôi” thành công”. Cái đẹp màu sắc trong hội họa đã khiến mọi người kết nối gần nhau hơn.

Ông Thông kể tiếp: “Mười năm trước, tôi mua bộ tranh của Nguyễn Tư Nghiêm vì thấy nó đẹp. Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm nhìn bên mắt trái, nhìn bên mắt phải và nhìn cả hai mắt đều rất khác. Tư duy của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi vẽ tranh rộng mở và hiện đại nên dù họa sĩ sinh năm 1918 nhưng khi xem ở thời hiện đại vẫn thấy rất gần gũi và rất sống động. Như bức “Chuột…”, ánh sáng và tối thì hình ảnh chuột phải khác nhau, nhưng ở bức này màu cả ba con đều giống nhau. Lý do là gì? Có lẽ họa sĩ muốn truyền tải thông điệp rằng “ta vẫn là chính ta thôi”.

Song, điều đọng lại và giá trị hơn từ “Khoảnh khắc Mùa Thu” chính là dòng chảy của văn hóa và hội họa Việt Nam đã được khẳng định vị trí trong xu thế chung của thế giới. Hội họa Việt Nam không đứng ngoài dòng chảy toàn cầu, mà là một phần năng động và sáng tạo, sẵn sàng ghi dấu ấn trên bản đồ mỹ thuật quốc tế.

Đúng như doanh nhân, nhà sưu tầm tranh Phan Minh Thông từng nói: “Việc chơi tranh không chỉ đơn thuần là mua sắm mà còn là hành trình khám phá giá trị văn hóa, giáo dục thẩm mỹ và kết nối cảm xúc của mỗi con người Việt Nam hội nhập cùng thế giới và mang bạn bè thế giới đến gần hơn với Việt Nam”.

Chơi tranh là một nghệ thuật. Đó không phải chỉ để tô điểm cho ngôi nhà hay văn phòng, mà còn thể hiện cá tính, tâm hồn và tri thức của người sở hữu”.

Ý Nhi