Trong nước

Để người dân, du khách thưởng ngoạn, TP.HCM giữ lại linh vật rắn đến hết tháng 2

Cao Minh Tèo - Nguyễn Thanh An 02/02/2025 15:44

UBND TP.HCM giữ nguyên vị trí 2 cụm linh vật rắn trên Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 đến cuối tháng 2/2025 để người dân và du khách có thêm thời gian tham quan, thưởng lãm.

Theo đó, ngày 2/2, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 với Chủ đề “Non sông gấm hoa, vui Xuân thái hòa” mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân và du khách trong và ngoài nước từ ngày 27/1 (tức 28 tháng Chạp) đến 21 giờ ngày 2/2 (mùng 5 Tết), riêng vị trí hai cụm linh vật rắn sẽ được giữ nguyên đến cuối tháng.

nty5.jpg
Nàng Tỵ trong trang phục đặc trưng, với "phụ kiện" khăn rằn và nón lá (Ảnh chụp vào ban đêm). Ảnh: Quỳnh Lâm

"Nổi bật trên Đường hoa Nguyễn Huệ là sự xuất hiện của đôi linh vật Kim Tỵ và Ngân Tỵ ở cổng chào và linh vật rắn mang nét văn hoá Nam bộ ở cuối đường hoa đã được rất nhiều người dân TP.HCM và du khách trầm trồ khen ngợi, mê mẩn trước vẻ đẹp cuốn hút của hai cụm linh vật này", Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nói về lý do giữ cụm linh vật rắn.

Trong số 12 con giáp, rắn là loài bò sát có máu lạnh và là một loài "đa tính cách" tồn tại đan xen. Nhắc đến rắn, ta thường cảm thấy có chút không an toàn, nhưng ở khía cạnh khác, rắn lại mang đặc tính linh hoạt, giỏi ứng biến hoặc như ngành y sử dụng biểu tượng hình ảnh một con rắn quấn mình quanh một cây gậy và đằng sau biểu tượng này là một truyền thuyết đặc biệt.

nang-ty.jpg
Nàng Tỵ được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn màu xanh - màu của sự sống, tăng trưởng. Ảnh: Quỳnh Lâm

Vượt qua những thử thách, đơn vị thiết kế đã dày công sáng tạo biến linh vật năm Ất Tỵ thành một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, uyển chuyển, đầy cuốn hút trước thềm Tết Nguyên đán.

Về kích thước, Ngân Tỵ dài 25m và Kim Tỵ dài 42m. Cả 2 linh vật được làm từ chất liệu thân thiện môi trường với phần lưng được ốp mica phản quang, phần đầu và bụng sử dụng tấm cót ép sơn màu. Đôi rắn uốn lượn 3 vòng tạo thành đế rộng hơn 11m.

l(1).jpg
Đường hoa Nguyễn Huệ là một trong những điểm du xuân thu hút đông đảo người dân, du khách tại TP.HCM mỗi khi Tết đến Xuân về

Khác với Kim Tỵ và Ngân Tỵ tỏa sáng lung linh kể cả dưới ánh nắng mặt trời hay đêm về rực rỡ, nàng Tỵ mang nét duyên ngầm của người con gái miền Nam trong trang phục đặc trưng, với "phụ kiện" khăn rằn và nón lá.

Được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn thân phủ màu xanh, là màu của sự sống và sự tăng trưởng, nàng Tỵ đạt kích thước ấn tượng với chiều dài hơn 50m, cao hơn 10m.

nnn.jpg
Rất đông du khách và người dân tham quan, thưởng lãm Đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Quỳnh Lâm

Phần đầu được cấu tạo bởi xốp, lưới nhuyễn, thép và vải mùng. Phần thân của nàng Tỵ được tạo hình từ gần 3.000 vảy bằng xốp phủ sơn, uốn thành hai vòng, trong đó vòng lớn nhất có đường kính gần 9m.

Với kích thước "khủng", nhưng nàng Tỵ được chế tác hầu hết từ nguyên liệu có trọng lượng ở mức nhẹ và trung bình. Với chiều cao hơn 10m, cấu trúc nàng Tỵ phân thành hai phần chính là phần đầu và phần thân.

Ngoài thép sử dụng kết cấu chịu tải, phần đầu có tỷ trọng nguyên vật liệu lần lượt là 25% mút xốp, 55% lưới thép nhuyễn và tỷ lệ mút xốp ở phần thân là 40%.

l2.jpg
Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2025 nằm trong chuỗi sự kiện các chương trình, sự kiện, lễ hội lớn của TP.HCM và cả nước. Ảnh: Quỳnh Lâm

Hai phần ba chiều dài nàng Tỵ nằm trên mặt đất, lấy vòng xoắn thân làm đế đỡ, một phần ba thân dài hơn 5m trong tư thế thẳng đứng, phần mang rắn dài hơn 3m được tạo bởi khung thép phủ lưới nhuyễn có kết cấu nhẹ và không cản gió.

Cao Minh Tèo - Nguyễn Thanh An