Theo dòng chảy

Sách - Cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới

Hà Thủy 01/02/2025 14:05

Đưa sách Việt ra thế giới không chỉ là mong muốn của ngành xuất bản, mà còn là niềm khát khao của mọi người yêu sách, yêu văn hóa. Bởi sách chính là cầu nối đưa văn hóa, giá ttinh thần và bản sắc của dân tộc Việt Nam hòa nhập vào thế giới.

1. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học, truyện dài, ngắn xuất sắc, phản ánh rõ nét lịch sử, văn hóa và hơi thở của đời sống, con người và bản sắc riêng của Việt Nam, ghi dấu trong lòng không ít độc giả trong nước. Trong số đó, cũng có tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia nhưng chưa tạo được dòng chảy mạnh mẽ, đủ tạo dấu ấn sách Việt trên thế giới.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alphabooks cho biết: “Mặc dù một số tác phẩm văn học của Việt Nam đã được dịch và xuất bản chính thống đạt được sự chú ý ở một vài thị trường, nhưng chưa đủ để tạo thành một dòng chảy văn hóa mạnh mẽ. Ngay cả thị trường trong nước, sách Việt hiện chưa có nhiều tác phẩm cạnh tranh về nội dung và hình thức để đứng ngang hàng với các nền xuất bản lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Nhật Bản nên việc vắng bóng trên thế giới cũng dễ hiểu”.

Chia sẻ lý do sách Việt còn bị lu mờ trên sân chơi quốc tế, ông Bình nói: “Ở các nước có nền văn hóa mạnh, họ có chiến lược quảng bá sách rất mạnh mẽ nhưng sách Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận như một "thương hiệu" văn hóa mạnh, phần nữa là do rào cản ngôn ngữ và cách tiếp cận thị trường thế giới còn hạn chế. Những tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài phần lớn nhờ nỗ lực cá nhân hoặc các dự án nhỏ lẻ, chưa có chiến lược quảng bá phù hợp và hiếm nhà xuất bản ( NXB) tổ chức chuyên nghiệp thực hiện công việc này.

sach-viet-.jpg
Sách việt ở hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới diễn ra hằng năm tại TP.Frankfurt (Đức)

Đánh giá cao mỗi tác phẩm văn học, mỗi cuốn sách là một phần của bức tranh lớn về văn hóa Việt Nam, một "đại sứ" âm thầm nhưng đầy sức mạnh, ông Nguyễn Nguyên-Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, nếu Ngành Xuất bản liên kết với các lĩnh vực khác như điện ảnh, báo chí và các sản phẩm văn hóa và được đầu tư đúng mức về nội dung, công nghệ và chiến lược truyền thông bài bản sẽ mở ra những cơ hội mới không chỉ cho Ngành Xuất bản mà còn cho các tác phẩm sách và văn hóa nói chung. Bên cạnh đó, các NXB cần mạnh dạn đổi mới và tận dụng sức mạnh mềm để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Điều này không chỉ tạo ra kênh tiếp cận mới mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc đưa sách Việt đến độc giả toàn cầu.

Bên cạnh việc tổ chức Hội sách bản quyền các nước tại Việt Nam, mời các đơn vị xuất bản, tác giả tiêu biểu tham gia các hội chợ sách lớn trên thế giới hàng năm như: Hội sách quốc tế Frankfurt, Hội sách Bologna, Hội sách London… các NXB cũng cần tập trung mạnh mẽ ở chuyển đổi số. Đây không chỉ là lựa chọn mà là yếu tố sống còn, tạo ra những cơ hội mới cho ngành xuất bản, từ việc áp dụng công nghệ trong sản xuất sách điện tử, sách nói, đến việc mở rộng kênh phân phối qua thương mại điện tử. Trong giai đoạn tới, ngành xuất bản tập trung đổi mới sáng tạo toàn diện, từ sáng tác, xuất bản, đến bảo vệ bản quyền và quảng bá quốc tế.

“Tuy nhiên, việc thực hiện điều này đòi hỏi sự đồng bộ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tận dụng tối đa công nghệ”, ông Nguyên thông tin.

thiep-tet-2025.jpg

2. Bà Nguyễn Lệ Chi- Nhà sáng lập Chibooks chia sẻ, sau hơn 16 năm ròng rã tìm đường xuất khẩu sách, bà mới thu được “trái ngọt” những năm gần đây và lựa chọn quảng bá “Tủ sách Văn hóa Việt” ra nước ngoài tại các hội chợ sách quốc tế nổi tiếng. Trong đó tập trung tại thị trường Trung Quốc vì nhận thấy, độc giả đất nước này chưa hiểu rõ về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Bà Chi cho biết, ban đầu tất cả giới xuất bản Trung Quốc được giới thiệu tủ sách văn hóa Việt đều cảm thấy xa lạ, khó cảm nhận được cái hay cái đẹp của từng tác phẩm. Bởi chỉ đọc chung về tóm tắt sách, về giới thiệu mục lục mặc dù đã dịch ra tiếng Trung thì vẫn chưa đủ sự thuyết phục. Cần tìm hiểu nhiều hơn về thị trường quốc tế, có tư duy đổi mới, sáng tạo hơn.

“Chúng tôi rút kinh nghiệm về khâu chuẩn bị dịch thuật và quảng bá sách. Trước tiên tôi phải đi tìm kiếm nhiều chuyên gia Trung Quốc giỏi tiếng Việt và hiểu về văn hóa Việt, họ mất hơn 2 năm cho phần dịch thuật nhưng vấn đề kinh phí đầu tư cho dịch thuật ra tiếng bản địa mới là vấn đề nan giải đối với những tác giả mới muốn gia nhập thị trường quốc tế vì việc tìm kiếm các dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt, hiểu biết tường tận về văn hóa Việt là rất hiếm”.

sach-viet-o-hoi-cho-sach-quoc-te-lon-nhat-the-gioi-dien-ra-hang-nam-tai-tp.frankfurt-duc-copy.jpg
sách việt ở hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới diễn ra hằng năm tại TP.Frankfurt (Đức)

Những năm gần đây, một số doanh nhân cũng đã vượt qua thách thức để đưa sách ra thị trường thế giới. Ông Quân Võ, tác giả quyển sách “Digital Marketing cho nhà quản lý” đã tìm đường xuất khẩu sách và chinh phục độc giả quốc tế với tác phẩm viết bằng tiếng Anh "Profit-driven digital marketing". Chỉ trong vòng một tháng phủ sóng trên Amazon, cuốn sách nhanh chóng tiếp cận độc giả ở Mỹ, Anh, Ireland, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Canada và đạt Top New Releases, kế đó là Top 1 Best Seller trong lĩnh vực Tiếp thị toàn cầu. Hay như “vua hồ tiêu” Phan Minh Thông, khi cuối năm 2023, quyển sách Vượt lên những con đường kinh doanh - Overcoming Business Journeys của doanh nhân này đã được NXB Novum (London) phát hành và bán ở gần 20 nước.

Chủ tịch Alpha Books cho biết, hiện nhiều đơn vị phát hành sách Việt Nam, trong đó có Alpha Books cũng đang tìm cách số hóa nội dung lên các nền tảng trực tuyến như Amazon, Google Books và các nền tảng phân phối khác để dễ dàng tiếp cận độc giả toàn cầu.”

Tuy vậy, còn cần đến sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và chung tay của các bộ, ban ngành. Trong đó có xây dựng thương hiệu quốc gia, đầu tư vào các chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua sách, tương tự như cách Hàn Quốc và Nhật Bản làm với K-pop và truyện tranh Manga. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cung cấp quỹ hỗ trợ dịch thuật, quảng bá và tham gia các sự kiện quốc tế.

Phải thực sự đầu tư và có thể triển khai theo hình thức đấu thầu, đặt hàng các đơn vị thực hiện được mục tiêu này hoặc nhiều cách thức, như trực tiếp thông qua đại lý làm việc với các NXB Quốc tế để họ xuất bản sách Việt Nam trên thế giới; Hỗ trợ đầu tư cho các công ty, NXB trong nước thực hiện việc này.

Hà Thủy