Trò chuyện doanh nhân

TS. Quách Tuấn Khanh: Tư tưởng là di sản quý nhất của doanh nhân

Trâm Bi 26/01/2025 09:00

“Di sản lớn nhất doanh nhân để lại chính là những bài học, những tư tưởng mà họ đã đánh đổi cả cuộc đời mình để đúc kết nên”, TS. Quách Tuấn Khanh.

Giai đoạn khoảng năm 2016 - 2017, biến cố sức khỏe là cơn bạo bệnh diễn ra trong gần một năm trời đã “xốc tung” cuộc sống của TS. Quách Tuấn Khanh, đồng thời tạo ra bước chuyển lớn trên con đường kinh doanh với Power UP Group. Lĩnh vực cũ, nhưng cách làm mới. Từ góc nhìn cá nhân của nhà lãnh đạo chiếu sang các hoạt động trọng yếu của công ty, giờ đây Power UP Group chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới doanh nhân, để lại di sản bền vững trên hành trình sống cũng như làm kinh doanh.

Vào một buổi sáng cuối năm 2024, TS. Quách Tuấn Khanh chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn về chặng đường sống và làm kinh doanh nhiều thăng trầm cũng như những kế hoạch cho năm mới 2025 sắp tới.

2.jpg
TS. Quách Tuấn Khanh. Ảnh: Văn Phụng

Nhẹ nhàng đón nhận mọi thứ, kể cả cái chết

* Ông có thể chia sẻ về một số cột mốc quan trọng nhất trong quá trình phát triển Power UP Group từ năm 2004 đến nay?

- Lúc mới hình thành, Power UP Group tập trung vào định hướng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người tại Việt Nam. Nhờ sớm được tiếp cận các chương trình đào tạo về phát triển con người, về tạo động lực, tôi hay tự đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao chúng ta sống cả cuộc đời mà không được học cách sử dụng đời mình? Sao chúng ta sở hữu bộ não nhưng lại chưa bao giờ được học cách sử dụng não hiệu quả? Hay đơn giản, bao nhiêu năm trời đi học, chúng ta chưa bao giờ được học phương pháp học tập? Tôi thấy rõ rằng, trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta bị thiếu hẳn mảng lớn về cuộc sống. Thêm nữa, vốn có sẵn kinh nghiệm đào tạo về truyền thông, marketing và PR (Public Relation - Quan hệ công chúng), tôi từng đầu tư thời gian cắp sách ra nước ngoài học thêm về kỹ năng diễn thuyết truyền cảm hứng cùng nhiều diễn giả quốc tế uy tín.

Ban đầu, vì thị trường của Power Up Group còn quá mới mẻ, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực rất rộng là phát triển con người nói chung. Chúng tôi đào tạo và chia sẻ về nhiều đề tài, từ kỹ năng sống, nuôi dạy con cho đến quản lý tài chính cá nhân.

Sau đó, khoảng từ năm 2013, nhìn thấy tiềm năng và tính ứng dụng của lĩnh vực NLP (Neuro-linguistic Programming - lập trình ngôn ngữ tư duy) tôi bắt đầu nghiên cứu để đưa bộ môn này về Việt Nam và cũng rất thành công. Thay vì tôi đóng vai trò là diễn giả chính, chúng tôi bắt đầu mời thêm thầy giỏi từ quốc tế về. Nhờ đó, Power UP Group đào tạo được đến hơn 200 huấn luyện viên NLP (NLP Trainer) theo tiêu chuẩn của Hiệp hội NLP Hoa Kỳ.

Ngoài công việc tại công ty, tôi còn được nhiều đối tác tin tưởng mời đi chia sẻ góc nhìn, xuất hiện liên tục trên truyền thông, thậm chí có rất nhiều người hâm mộ. Tôi còn ôm tham vọng xây công ty thành tập đoàn lớn với nhiều công ty nhỏ bên dưới…

Power UP Group phát triển đa dạng mảng chủ đề như vậy tầm hơn chục năm. Tôi vẫn luôn là diễn giả và huấn luyện viên chính. Dần dà chúng tôi mới tập trung gọn lại vào mảng tạo động lực.

* Hơn 10 năm khai phá thị trường mới và công việc kinh doanh tiến triển dường như rất thuận lợi như vậy, lý do vì sao ông muốn gói gọn lại mảng kinh doanh?

- Gói gọn mảng chỉ là một trong những thay đổi. Thực tế là Power UP Group thay đổi rất nhiều sau giai đoạn năm 2016 - 2017. Bởi vì đây là thời điểm tôi trải qua một biến cố lớn về sức khoẻ.

Gần một năm trời, tôi gần như nằm một chỗ, không gặp ai, không làm được gì. Chính giai đoạn ấy, tôi bắt đầu nhìn nhận lại toàn bộ cuộc sống cũng như công việc kinh doanh của mình. Sau này nhớ lại, tôi thường gọi nôm na giai đoạn đó là… sập nguồn toàn tập.

Tôi không biết trả lời sao khi bạn bè hỏi bị bệnh gì. Bác sĩ đã làm đủ mọi xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng. Kết quả là, tôi có mỗi bệnh một chút, cùng lúc chúng kéo đến và gây biến chứng. Mất khả năng thị giác, tôi không đọc được sách, cũng không xem được tivi.

Với mọi công cụ, phương pháp và lý thuyết về tạo động lực, tôi đem áp dụng hết cho mình. Tôi đặt mục tiêu cụ thể ngày nào phải đứng dậy đi được, trong năm sau sẽ tổ chức chương trình gì, đem đối tác nào về Việt Nam… Bất chấp mọi nỗ lực, cơ thể tôi chỉ ngày càng yếu đi. Cân nặng từ 62 kg chỉ còn 42 kg. Thậm chí có lúc cảm nhận một con kiến đang bò ngang mặt mình, tôi cũng không gạt đi nổi.

Duy chỉ có điều, dù thể trạng tuột dốc không phanh, đầu óc tôi vẫn luôn tỉnh táo làm việc, đến mức các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên. Nhiều đêm mất ngủ, tôi dành thời gian để ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. Cuối cùng thì, đâu mới là điều quan trọng nhất? Rõ ràng không phải là những thứ trước đây tôi cho là quan trọng. Ví dụ, mình tập luyện bao nhiêu năm để có cơ bụng sáu múi, giờ còn không giữ nổi 20 kg trọng lượng cơ thể. Nếu ai yêu cầu tôi vẽ ước mơ lúc đó, rất đơn giản, chỉ là hơi thở tiếp theo! Bởi vì ngay cả hơi thở mình còn không kiểm soát được 100%, thì mơ ước về nhà lầu, xe hơi, bằng cấp, địa vị… mọi thứ đó tự nhiên trở nên rất buồn cười.

Thậm chí lúc đó tôi còn ngẫm nghĩ, lỡ trong quá khứ mình từng làm gì ngu ngốc, thì không chừng cái đó mới là thứ còn lưu lại, chính là… di sản của mình. Người ta nói, “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Tôi cũng nhìn nhận lại cách mình làm kinh doanh. Lúc đó, những hoài bão, ước mơ, mục đích kinh doanh… của tôi bỗng trở nên rất khác so với trước đây. Có thể không khác ý định, nhưng chắc chắn sẽ khác cách làm.

Tạm gọi khoảnh khắc đó là “buông bỏ”. Nghĩa là khi ngắt hết, không còn vướng mắc vào việc mỗi tháng phải kiếm được bao nhiêu, phải đạt được điều gì, tôi mới có một suy nghĩ cực kỳ tự do về việc mình làm kinh doanh, hay mình sống, hay mình làm nghề là vì cái gì. Vào quãng đời đáng nhớ đó, tôi đã cho phép một “người thầy vĩ đại” bước vào cuộc đời mình. Tôi gọi theo cách chung nhất là God, tạm dịch “Thượng đế”, hoặc có thể dùng một từ cơ bản là “vũ trụ”. Tôi thấy mình nhẹ nhàng đón nhận mọi thứ, kể cả cái chết.

Và dường như chính khi đó, cơ thể tôi dần hồi phục. Những ngày ấy, tôi hay nằm mơ, chủ yếu là những giấc mơ về… sứ mạng cuộc đời. Tôi mơ về những điều tôi muốn làm. Sau này kể lại với mọi người, tôi luôn nhấn mạnh rằng, sứ mạng không chỉ giúp chúng ta thành công trong đời mà còn cho chúng ta thêm năng lượng sống! Và thông điệp tôi nhận ra rất rõ là: Sứ mạng của mình chưa xong. Cứ như thể tôi trải qua tất cả những chuyện này là để chuyển hóa những nhận thức mới, để làm sứ mạng tốt hơn.

Sau khi “thức tỉnh sứ mạng”, tôi quyết định thay đổi cách làm kinh doanh, cách sống, cách nhìn nhận cuộc đời. Nhìn ở góc độ tích cực thì tôi đã được trải qua một trận “tu tập” dữ dội.

3.jpg

“Vừa là thầy của nhau vừa là bạn đồng hành cùng nhau”

* Cụ thể sau biến cố sức khoẻ đó, những thay đổi quan trọng nhất ông thực hiện tại Power UP Group là gì?

- Từ câu chuyện cá nhân nhìn sang câu chuyện doanh nghiệp, tôi thấy cũng tương tự. Dù mình có vẽ bức tranh sứ mạng cao tới trời, điều quan trọng vẫn là cách mình sống sứ mạng đó mỗi ngày. Chẳng hạn, thay vì đóng góp nhiều tiền của làm từ thiện thì chúng ta đặt câu hỏi, trong lúc kiếm được số tiền đó, chúng ta đang đóng góp điều gì?

Với vai trò lãnh đạo, chuyên gia đào tạo và diễn giả tại Power UP Group, điều tôi thay đổi đầu tiên là slogan: từ “diễn giả số 1 Việt Nam” thành “đồng hành cùng bạn trên con đường tỉnh thức”. Nguyên nhân vì trải nghiệm cá nhân giúp tôi nhận ra rằng, mục đích quan trọng nhất trong cuộc đời một con người là tỉnh thức chứ không phải là đạt được bất cứ một thứ kết quả nào đo lường được.

Trong từ “đồng hành” bao hàm cả ý “bản thân tôi cũng phải trên tiến trình tỉnh thức”. Bởi vì trong cuộc đời này, chúng ta vừa là thầy của nhau vừa là bạn đồng hành, giúp đỡ nhau hướng đến sự tỉnh thức. Cách tiếp cận này đúng cả trong kinh doanh, công việc cho đến đời sống hôn nhân.

Có thể nói, thông điệp lớn “chúng ta đồng hành cùng nhau trên con đường tỉnh thức” chính là thay đổi lớn nhất, tạo tiền đề cho mọi thay đổi khác trong hoạt động của Power UP Group. Chẳng hạn, tôi đổi hướng các chương trình tạo động lực sang tập trung vào giá trị bên trong, để học viên thực sự có được động lực từ bên trong, cảm thấy được chữa lành và sẵn sàng đón nhận con người chân thật của mình một cách trọn vẹn. Suy cho cùng thì động lực gốc rễ nhất vẫn là chúng ta thấy được giá trị của mình và thấy cuộc đời mình có ý nghĩa.

* Như ông đã chia sẻ trong giai đoạn gặp biến cố, ông đã suy ngẫm xem mình để lại gì cho đời. Có vẻ ông rất chú trọng đến việc lưu lại di sản. Đó có phải là lý do ông phát triển dự án “Viết sách để lại di sản”?

- Sách thì tôi say mê từ lâu rồi. Tôi là tác giả của nhiều cuốn sách như Tôi vận dụng luật hấp dẫn như thế nào?, Vitamin cho thành công, Bí quyết trình bày từ các chuyên gia…

Với vai trò là một chuyên gia, tôi luôn ý thức rằng mình phải đúc kết, phải “đóng khung” những thông điệp và kiến thức cho riêng mình. Nếu không, mình chỉ là người đi sao chép và góp nhặt từ người khác.

Không riêng gì doanh giới, suy cho cùng, dù chúng ta làm gì thì cũng “tiêu xài” hết một đời mình. Vậy thì, chúng ta sẽ tập trung để lại điều gì? Ai cũng khao khát trường sinh bất lão, nhưng rõ ràng điều đó không hợp lý. Ngay cả những công trình kỳ vĩ nhất trên thế giới qua thời gian cũng sẽ rỉ sét, cần được trùng tu, sơn phết…

Vậy thì điều gì mới sống mãi? Chính là tư tưởng! Và viết sách là một trong những cách tốt nhất để lan toả tư tưởng. Việc giúp ai đó thay đổi nhận thức từ bên trong chính là di sản, là đóng góp cực kỳ to lớn cho cuộc sống.

Đối với doanh nhân, di sản quý nhất họ để lại chính là những bài học, đặc biệt là khi họ đã đánh đổi cả cuộc đời mình để đúc kết nên. Khi đó, họ sẽ giúp cho người khác “sử dụng” cuộc đời mình tốt hơn, kinh doanh tốt hơn, mọi thứ trong cuộc sống cũng sẽ theo đó mà tốt hơn lên. Đó mới thực sự là di sản lớn lao!

Nên đo lường mức độ hạnh phúc của nhân viên

* Dựa trên kinh nghiệm đào tạo và hợp tác với nhiều doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của giới doanh nhân Việt Nam đến việc để lại di sản? Định nghĩa “di sản” thường được hiểu theo chiều hướng nào?

- Như đã nói, tôi nhận thấy hầu như ai cũng khao khát bất tử, mong muốn sống mãi, nên đều muốn để lại di sản. Cá nhân tôi sau khi cận kề cửa tử, tôi thấu rõ, mọi thứ ngày thường mình cho là ghê gớm bỗng nhiên hoá thành zero. Những điều hữu hình bình thường được đánh giá cao đều không thể mang theo mình mãi mãi.

Ở một khía cạnh nào đó, khi con người ngày càng chú trọng tính nhân văn hơn, một di sản lớn nữa mà doanh nhân có thể để lại chính là những con người bên trong doanh nghiệp. Ngoài đo lường thời hạn công việc, KPI, số lượng và chất lượng sản phẩm - dịch vụ…, chủ doanh nghiệp nên đo lường cả sức khoẻ thân tâm trí và mức độ hạnh phúc của nhân viên mình.

Tên tuổi của doanh nghiệp thường tồn tại bao lâu? Hiếm hoi lắm mới có doanh nghiệp tồn tại được trăm năm. Bao nhiêu doanh nghiệp lớn như Nokia hay Kodak đã sụp đổ. Tôi nghĩ doanh nhân không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự trường tồn của thương hiệu công ty. Thay vào đó, nên chú trọng vào điều chắc chắn sẽ trụ lại rất lâu, chính là những con người mà doanh nghiệp tạo ra. Bởi vì những giá trị tốt đẹp từ họ cũng sẽ lan toả ra xung quanh. Và khi đó, nhân tài từ các nơi khác cũng sẽ đổ về. Nói cách khác, chiến lược nhân tài giờ đây cần phải thay đổi rất nhiều, theo hướng nhân văn như vậy!

* Nhân nói về sự thay đổi, doanh nghiệp ngày nay chịu nhiều sức ép của mô hình kinh doanh mới và xu hướng thay đổi nhanh chóng của thị trường. Sự đổi mới sáng tạo được vận dụng thế nào tại một công ty tập trung vào phát triển con người như Power UP Group?

- Ngành kinh doanh của Power UP Group xuất phát từ nước ngoài. Chủ doanh nghiệp như tôi được gọi là “infopreneur”, ghép từ “information” với “entrepreneur”, dịch nôm na là kinh doanh tri thức. Việc đổi mới sáng tạo trong ngành này không khó. Bởi vì thứ nhất là không có hàng tồn kho. Thứ hai là không phụ thuộc về nhân sự. Càng về sau này, xu hướng nhân sự chủ yếu là thuê ngoài. Và thứ ba, khi Internet phát triển thì hình thức đào tạo online cũng dần phổ biến.

“Lỡ trong quá khứ mình từng làm gì ngu ngốc, thì không chừng cái đó mới là thứ còn lưu lại, chính là… di sản của mình”

Câu chuyện đổi mới sáng tạo trong ngành đào tạo và phát triển con người chủ yếu xoay quanh việc có góc nhìn mới, phương pháp mới hiệu quả hơn để giúp người khác thay đổi. Đơn cử như việc tôi thay đổi định hướng của Power UP Group cũng chính là một tiến trình đổi mới.

Càng đi sâu tôi càng thấy lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên thế giới luôn đổi mới không ngừng. Huấn luyện ban đầu chỉ là nói, sau đó là đưa ra các hoạt động và trò chơi để người học trải nghiệm. Lúc này, người huấn luyện - trainer - phải trở thành facilitator, tức là người tạo bối cảnh, điều kiện để người học tự học, tự đúc kết rồi tìm ra cách để tự thay đổi.

Càng chú trọng đến kết quả, những “infopreneur” như tôi càng phải chú trọng nhiều hơn đến yếu tố tâm lý. Bởi vì rõ ràng là tất cả những thứ chúng ta làm bên ngoài đều là thói quen, mà thói quen thì liên quan đến hành vi. Và để thay đổi hành vi thì phải hiểu về tâm lý học hành vi. Đó là lý do vì sao tôi phải nghiên cứu rất nhiều về các phương pháp mới như NLP, thôi miên trị liệu, chữa lành bằng rung động năng lượng, thực hành chánh niệm…

Cho nên, với ngành kinh doanh tri thức này, để có kết quả tốt hơn, tự mình phải buộc mình luôn đổi mới. Nếu bạn sản xuất sản phẩm hữu hình như nước ngọt hay bánh trái, bạn phải thay đổi về mặt hoá sinh để tạo ra nhiều mùi vị khác nhau. Còn với ngành đào tạo và phát triển con người, bạn phải hiểu nhiều về văn hoá, về tâm lý, về nền tảng quá khứ, về giá trị cá nhân… để giúp bạn hiểu người học, giúp họ hiểu bản thân và giúp họ thay đổi để tạo ra kết quả họ mong muốn. Có hàng tỷ thứ cần tìm hiểu. Cho nên, ngành này mà không liên tục đào sâu, không liên tục tìm kiếm phương pháp và công cụ mới thì thua!

Xoay quanh từ khoá “Trí tuệ lãnh đạo”

* Tiến trình đổi mới đó phục vụ như thế nào cho kế hoạch hoạt động trong năm nay và ba năm tới của Power UP Group?

- Từ năm nay 2025 đến ba năm tới, mảng thứ nhất tôi tập trung sẽ xoay quanh từ khoá Trí tuệ lãnh đạo. Tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái giúp các nhà lãnh đạo nâng tầm tư duy, nâng tầm nhận thức và đặc biệt là khai mở được trí tuệ sáng suốt. Để từ đó họ mới có khả năng tự nhìn ra vấn đề và tự giải quyết được vấn đề. Cách nghĩ phổ biến trước nay là “Tôi không làm được, có quá nhiều thay đổi, tôi phải đi học cái gì đó mới”. Đó là chưa kể nhiều người còn đi học theo phong trào, xem việc học như một cách để… trang trí, chứ chưa thực sự đi học với mục đích nâng tầm bản thân. Tuy nhiên, cách này chỉ đáp ứng được điều kiện cần.

4.jpg

Điều kiện đủ là: Bạn phải liên tục là người thầy của chính mình, chính bạn phải là người liên tục thích nghi và khai mở sự sáng suốt bên trong mình. Bởi thực tế là, khi một sự thay đổi xảy ra, cần trải qua một thời gian mới có người đúc kết nó thành sách hay thành tài liệu học tập. Trong khi những vấn đề trong kinh doanh luôn xảy ra hằng ngày. Đợi cuốn sách đó đến được tay bạn thì quá chậm rồi!

Mảng thứ hai tôi sẽ tập trung là “Holistic Wellness”, tạm dịch là sức khỏe thân tâm trí toàn vẹn - hướng đến việc đưa con người ta đạt đến hạnh phúc trong mọi mặt cuộc đời, sống hòa hợp với vũ trụ, với vạn vật, với con người xung quanh.

Và mảng thứ ba mà tôi cũng đang rất tập trung là đào tạo chuyên gia, chủ yếu là chuyên gia tỉnh thức. Quả thật nhớ lại những ngày bệnh nặng nằm một chỗ, tôi thấy rất tiếc vì nếu mình ra đi thì chưa kịp truyền nghề cho ai. Đó là lý do ngay sau khi hồi phục, tôi lập tức bắt đầu hiện thực hoá điều này. Tại sao tôi lại đề cao sự tỉnh thức? Với tôi, bất cứ giây phút nào bạn không tỉnh thức trong đời, thì dù bạn làm gì hay nói gì, đều không đúng.

Với ba mảng lớn trên, hình thức thực hiện cũng sẽ mở rộng hơn. Bên cạnh khoá học, Power UP Group còn có nhiều hoạt động khác. Chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn đến cộng đồng, xây dựng thêm nhiều kênh lan tỏa thông điệp, khuyến khích viết sách đối với tác giả Việt nói chung và doanh nhân Việt nói riêng…

Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa, viết sách hay đi đào tạo, chia sẻ “bài học xương máu” một cách “rút ruột rút gan” chính là cách để lại di sản. Ngày nay, rất nhiều người có cùng chung niềm tin rằng chúng ta chỉ có thể “vĩ đại” trong một “cuộc sống vĩ đại”. Ví dụ đơn giản, chỉ khi thu nhập quốc dân của Việt Nam tăng thì người giàu trên đất Việt mới có nhiều tiền hơn.

* Xin cảm ơn ông!

TS. Quách Tuấn Khanh

anh-quach-tuan-khanh-2.jpg
TS. Quách Tuấn Khanh có 20 năm kinh nghiệm đào tạo và diễn thuyết truyền cảm hứng tại Việt Nam

Là Chủ tịch Power UP Group - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người tại Việt Nam từ năm 2004. Ông sở hữu kinh nghiệm xấp xỉ hai mươi năm ở vai trò nhà đào tạo và diễn giả truyền cảm hứng, tạo động lực để giúp hoàn thiện cá nhân và tổ chức. Ngoài các chương trình, khoá học tại Power UP Group, ông còn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mời đến chia sẻ, đào tạo. Có thể kể đến như HDBank, KLC, Mercedes-Benz, Unilever, Danone Dumex, Prudential, AIA, BP, Samsung, LG Vina, Coca-Cola, Bảo Minh… Về chuyên môn, Chủ tịch Power UP Group được hội Business Coach Hoa Kỳ chứng nhận PBCA Trainer (Certified Professional Business Coach Trainer - tạm dịch: chuyên gia khai vấn doanh nghiệp chuyên nghiệp) và nhiều chứng chỉ quốc tế uy tín trong lĩnh vực khoa học thiền định, tâm lý, NLP (Neuro-linguistic Programming - Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy)…

Trâm Bi