55 năm gìn giữ nghề gốm sứ và Bảo tàng Gốm sứ Minh Long
"55 năm đã trôi qua, đối với dòng thời gian chỉ là một khoảnh khắc, nhưng đối với con người đó là hơn nửa đời người. Còn đối với tôi và Minh Long là một hành trình đầy gian truân nhưng cũng đầy cảm hứng".
Cả khán phòng trong buổi lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Công ty Minh Long tại Bình Dương bỗng chùng xuống khi nghe câu chuyện của ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐTV Công ty Minh Long khi kể về hành trình 55 năm gìn giữ nghề gốm sứ và thương hiệu Minh Long của ông.
Bắt đầu từ giấc mơ cách mạng gốm sứ của ông Lý Ngọc Minh từ thuở niên thiếu và lớn lên cùng những khát vọng đưa hồn cốt tinh hoa văn hóa Việt Nam lên gốm sứ, để vươn ra thế giới. Câu chuyện không chỉ mang lại cảm xúc mà còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều khách mời đến dự.
Ông Minh kể: “Hành trình 55 năm của ông gắn liền với sự gian khó và thăng trầm, tôi cũng nếm đủ mùi đắng cay ngọt bùi. Với lòng kiên trì và những giá trị mà mình theo đuổi, nhằm gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống cũng như kỹ thuật công nghệ mà mình sáng tạo ra, để góp phần tạo dựng nên tên tuổi Minh Long như ngày hôm nay”.
Trong niềm vui của lễ kỷ niệm, ông Minh không giấu sự xúc động và tỏ lòng biết ơn những người đã đồng hành cùng ông và Minh Long trên hành trình này. Ông nói: “Đó là sự hỗ trợ tận tình của chính quyền địa phương qua bao thời kỳ. Đó là những người bạn, những khách hàng thân thiết luôn bày tỏ sự yêu thích và động viên tôi mỗi khi Minh Long cho ra đời những sản phẩm mới. Chính tình cảm và niềm tin yêu ấy là nguồn động lực vô giá, giúp chúng tôi vững tin và tiến xa hơn trên con đường làm đẹp cho đời, cho xã hội, cho đất nước cũng như cộng đồng lớn”.
Với những thành tựu mà 55 năm qua Minh Long và bản thân vị Chủ tịch đã làm được mà ngày hôm nay, những sản phẩm gốm sứ chất lượng hiện diện trong hàng triệu gia đình, cũng như các tác phẩm cao cấp được trưng bày tại công trình Bảo tàng Gốm sứ Minh Long mới vừa được khánh thành.
“Đây không chỉ là thành quả của riêng mình, mà là kết tinh từ những bàn tay, khối óc, và tấm lòng của biết bao con người của Công ty, cộng tác giúp tôi hoàn thành mộng ước của người đam mê gốm sứ. Trải qua 55 năm, khi nhìn lại, tôi không nghĩ chỉ đến những gì mình đã đạt được mà còn nghĩ đến những gì mình sẽ làm và lưu lại cho con cháu mai sau", ông Minh nói trong niềm xúc động.
Minh Long hôm nay không chỉ là một công ty, mà còn đại diện cho tình yêu gốm sứ và tình yêu nghề nghiệp, cho sứ mệnh truyền tải những câu chuyện đẹp về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Hành trình này vẫn đang tiếp tục bởi những người kế nghiệp, để mỗi tác phẩm Minh Long đều mang theo thông điệp tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam”.
Hành trình 55 năm
Cũng trong không khí thân tình, ấm áp của buổi lễ, ông Minh đã kể lại những ngày đầu khởi nghiệp của mình. Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của tất cả khách mời quan khách. Không gian xung quanh như chững lại, chìm lắng trong ký ức chuyện kể của Chủ tịch Công ty gốm sứ Minh Long Lý Ngọc Minh.
Ông kể: “Tôi đã bén duyên với gốm sứ từ khi còn nhỏ, không chỉ vì gia đình có truyền thống làm nghề này đã 4 đời và hơn 100 năm nối tiếp. Mà còn từ khát vọng lớn lao đã được khơi dậy từ thời thơ ấu. Khi tôi khoảng 10 - 12 tuổi, người bố dượng đã dẫn tôi tham quan một triển lãm gốm sứ tại Lái Thiêu, của hãng Tân Hòa Phát do chú Siêu làm chủ. Đó là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của các sản phẩm gốm sứ. Chính khoảnh khắc đó đã khơi dậy trong tôi khát vọng tạo ra cuộc cách mạng cho ngành gốm sứ Việt Nam, khởi đầu cho một giấc mơ lớn mà tôi hằng theo đuổi trong suốt cuộc đời mình. Chính ông là người đã đặt nền móng đầu tiên cho hành trình của tôi và tôi rất biết ơn vì sự dạy dỗ yêu thương ấy.
Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu với những bước đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ gốm sứ của mình. Tôi được người mẹ rất cần mẫn, tảo tần, với tình thương vô bờ bến và niềm tin sâu sắc với con, đã dành ra 3 lượng vàng - là cả một gia tài lúc bấy giờ - để cho tôi mở một phòng thí nghiệm với người bạn. Tôi ngày đêm say mê trong căn phòng đó, tự mày mò tạo men, tạo màu cho sản phẩm, nghiền ngẫm sách báo bằng vốn tiếng Hoa ít ỏi của mình và phần nhiều là tự học. Mẹ chính là người đã ươm mầm cho những khát khao cháy bỏng, đó như một mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng hạt giống tốt được nảy mầm và sinh trưởng”.
Dừng lại đôi phút trong cảm xúc, ông Minh tiếp:
“Học vấn chính quy của tôi chỉ dừng lại ở lớp ba, còn tiếng Hoa thì cũng chỉ học đến lớp 5 chưa tốt nghiệp tiểu học. Chính cuộc sống đã dạy tôi biến môi trường làm việc trở thành ngôi trường lớn nhất, nơi tôi tự mình tìm kiếm, học hỏi và trưởng thành từng ngày một. Trong hành trình ấy, tôi may mắn gặp được bà Lý Ngọc Dung, cũng đồng cảnh ngộ, không được học tiếp nên chúng tôi cùng nhau tự học hàm thụ. Cô cũng là người vợ đã luôn sát cánh, đồng hành cùng tôi chia sẻ mọi gian khó. Dịp này, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến người vợ của mình, người đã tạo cho tôi niềm tin vững chắc, là hậu phương tuyệt vời, giúp tôi dạy dỗ các con trong suốt bao năm qua, để tôi yên tâm làm việc và đeo đuổi giấc mơ gốm sứ của mình.
Các con tôi học xong về nước, là thế hệ kế thừa thứ tư tiếp bước cùng tôi, tạo động lực để tôi luôn vững bước tiến lên. Các con không chỉ mang về tri thức từ những nền giáo dục tiên tiến của phương Tây, mà còn mang theo tình yêu gốm sứ với Minh Long. Và giấc mơ đó sẽ tiếp tục với sứ mệnh tỏa sáng gốm sứ Việt. Tôi tin, sự kết nối giữa hai thế hệ sẽ được tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang cho dòng họ cũng như Công ty.
Cuộc cách mạng công nghệ nung theo tiêu chuẩn châu Âu
Tôi còn nhớ, sau năm 1975, thời cuộc khiến tôi phải tạm rời xa nghề gốm sứ để làm nông nghiệp và tưởng chừng không còn cơ hội tiếp tục làm nghề gốm sứ.
Đến năm 1980, cơ duyên đưa tôi quay lại với nghề từ lời khuyên chân thành của ông Ba Hà - vị Phó chủ tịch tỉnh giàu nhân cách mà tôi luôn kính mến, yêu cầu tôi quay lại nghề vì có chủ trương các thành phần kinh tế được phát triển. Và từ đó, tôi mới quyết tâm tìm ra hướng đi cho riêng mình, bắt đầu xây dựng lại xưởng mới tại vùng đất hôm nay.
Một dấu mốc làm thay đổi hành trình của tôi và Minh Long chính là câu nói của ông Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khi về thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Sau bữa tối, ông Đỗ Mười đã hỏi: "Bình Dương là một tỉnh chuyên làm gốm sứ nổi tiếng, nhưng sao lại không làm nổi một bộ ấm trà để tiếp khách mà phải dùng sản phẩm nước ngoài để đi tiếp khách?”.
Câu nói đó như ngọn lửa châm vào viên pháo đã được nhồi đầy thuốc, đã thôi thúc tôi phải bước ra thế giới, để khám phá và học hỏi những gì tốt nhất từ những nước châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc…) cũng như các nước châu Âu, đặc biệt là nước Đức - nơi công nghệ sứ đạt đỉnh cao. Với những gì tôi học được, tôi hiểu, để nâng tầm gốm sứ Việt Nam, tôi phải mang về những công nghệ tiên tiến nhất từ khắp nơi trên thế giới để áp dụng tại Minh Long và liên tục học hỏi cải tiến.
Hơn ba thập kỷ dốc sức với những nỗ lực học hỏi miệt mài đã được tỏa sáng khi chúng tôi hoàn thiện được công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380°C , theo tiêu chuẩn cao nhất của Đức, kết hợp với hệ thống máy móc tự động hóa hoàn toàn. Những sản phẩm gốm sứ của Minh Long không chỉ đạt chất lượng vượt trội mà còn được chọn làm tặng phẩm cho hơn 50 quốc gia trên thế giới. Thành quả này không chỉ là niềm tự hào của tôi mà còn là của tất cả những người dân Việt Nam.
Tiếp nối hành trình với giấc mơ dòng sản phẩm sứ dưỡng sinh
Tiếp nối hành trình đầy rực rỡ của Minh Long, tôi đã ngộ ra một điều quan trọng: Bất kỳ ai trong chúng ta đều có một mục tiêu chung là tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và đất nước. Nhưng hạnh phúc đó sẽ không bao giờ đến nếu không có sức khỏe. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm sáng tạo dòng nồi sứ dưỡng sinh đầu tiên trên thế giới chịu được sốc nhiệt toàn phần lên đến 800°C thậm chí 900°C và có thể sử dụng trên bếp từ mà chưa có hãng nào trên thế giới làm được. Đây là một phần thưởng lớn trong giấc mơ của tôi, đã mang đến sự cải thiện cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời bảo vệ môi trường xanh sạch.
Tại lễ kỷ niệm, Bảo tàng gốm sứ Minh Long cũng được khai trương tại Bình Dương. Tham dự lễ khánh thành có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Chủ tịch MTTQVN cùng nhiều lãnh đạo địa phương.
Mỗi hiện vật tại Bảo tàng Gốm sứ Minh Long không chỉ minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật - nghệ thuật - mỹ thuật - văn hóa, mà còn là câu chuyện sống động về tinh thần sáng tạo đầy công phu, ẩn chứa triết lý nhân sinh của một người suốt đời đam mê gốm sứ cùng đội ngũ lãnh đạo của một thương hiệu nổi tiếng làm ra”.
Lý Ngọc Minh
Bảo tàng có diện tích trên 2.000m2 (gồm trong nhà và ngoài trời), trưng bày trên 500 hiện vật là các sản phẩm gốm sứ độc bản.
Có nhiều nhóm tác phẩm sứ được trưng bày trong bảo tàng như bình, chén ngọc, đèn trần, sứ mỹ nghệ, tranh, hoa, tượng người và linh vật, đồ trang sức… tất cả được làm bằng sứ và chế tác tinh xảo, được nung ở nhiệt độ 1.380°C (tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu).
Trong đó có một số sản phẩm nổi bật, như Chén Ngọc có đường kính ngoại cỡ 4,5m giữa đài phun nước, bức phù điêu có chiều dài 99m và cao 9m, ghi lại lịch sử và đời sống, đồng thời là biểu tượng đoàn kết và phát triển đất nước của Việt Nam. Ba bộ đèn chùm 100% bằng sứ, to lớn và nặng hơn 3 tấn, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.
Giấc mơ của tôi không chỉ dừng lại ở hôm nay. Tôi kỳ vọng thế hệ kế thừa của Minh Long sẽ tiếp nối con đường này, giữ vững ngọn lửa đam mê và tạo nên những bước phát triển đột phá rực rỡ không chỉ cho Công ty mà còn cho sự giàu đẹp của quê hương, đất nước.
Lý Ngọc Minh
Theo ông Minh, Bảo tàng được hoàn thành sau 20 năm ấp ủ và triển khai xây dựng. Không chỉ là nơi trưng bày những sản phẩm sứ đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tàng còn truyền tải những giá trị văn hóa và nghệ thuật của người Việt đã được gìn giữ qua bao thế hệ.