Chuyện làm ăn

Tết 2025: Tăng tốc sản xuất, thị trường còn trầm lắng

Minh Hào 15/01/2025 06:43

Với hơn 22 ngàn tỷ đồng hàng hóa chuẩn bị Tết, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất nhưng sức mua báo hiệu một thị trường Tết không còn sôi động như trước.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã triển khai kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa từ sớm và tăng tốc sản xuất, đảm bảo nguồn cung ổn định và giữ giá cả không biến động để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Ổn định giá cả

Theo các DN ngành thực phẩm, giá nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bún, mì, phở khô... đều tăng từ giữa năm, nhưng giá hàng hóa Tết Ất Tỵ sẽ chỉ ở mức ngang bằng Tết năm ngoái. Thậm chí, nhiều nhóm hàng như thịt heo, thịt gà, trứng và một số sản phẩm chế biến còn được giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, cho biết Công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Tết 2025 với nhiều sản phẩm mới, tập trung vào chất lượng và thiết kế bao bì phù hợp với không khí Tết. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Sài Gòn Food đã dự trữ khoảng 1.000 tấn thành phẩm, tăng 20% so với Tết năm ngoái. Công ty cũng triển khai các chương trình khuyến mãi với mức giảm giá từ 20 - 50% cho các sản phẩm chính như lẩu Tết, xốt gia vị hoàn chỉnh và pizza. Các sản phẩm này được phân phối thông qua hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, Aeon, Lotte và Emart.

Doanh nghiệp không thiếu nguồn hàng, nhưng sức mua có thể chưa đạt kỳ vọng

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM

Đáng chú ý, Tết năm nay, Sài Gòn Food giới thiệu hai dòng sản phẩm mới nhập khẩu từ Nhật Bản là Pizza và Gratin, đáp ứng xu hướng tiêu dùng tiện lợi và hiện đại.

Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, Công ty đã chuẩn bị hàng hóa cho Tết 2025 với tổng giá trị 540 tỷ đồng, tăng 8% so với Tết năm ngoái. Trong đó, khoảng 930 tấn thực phẩm tươi sống và 3.700 tấn thực phẩm chế biến đã được dự trữ để đảm bảo nguồn cung. DN cũng triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 30% để kích cầu và hỗ trợ người tiêu dùng.

Chuẩn bị cho thị trường Tết, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt dự kiến cung ứng từ 1 đến 1,5 triệu trứng gia cầm/ngày trong cao điểm Tết. DN cũng đảm bảo giá trứng gia cầm trong các kênh bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5 - 10%.

Theo ông Trương Chí Cường - Phó giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thời gian một tháng trước và một tháng sau Tết, Công ty cam kết không thay đổi giá bán. Những ngày gần Tết, Công ty cũng sẽ giảm giá, đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ để kiểm soát chi phí giao nhận hàng hóa tốt hơn.

chuyen-thuong-truong_hang-tet-2.jpg
Doanh nghiệp tăng tốc chuẩn bị hàng Tết nhưng lo ngại sức mua yếu

Có như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), chia sẻ, hàng Tết đã được đưa vào các hệ thống phân phối từ 2 - 3 tháng trước, nhưng tình hình năm nay không mấy khả quan. Sức mua giảm mạnh, giá trị đơn hàng không còn cao như những năm trước.

“Những năm trước, thị trường Tết rất sôi động, sản xuất và phân phối phải tăng ca để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, năm nay khá trầm lắng, báo hiệu một năm thị trường ảm đạm” - ông Luận cho biết.

Năm 2024, hàng Tết tăng trưởng 15 - 20% so với cùng kỳ, nhưng năm nay, dù đã triển khai nhiều chương trình kích cầu, lượng tiêu thụ vẫn không đạt kỳ vọng. Nguyên nhân chính là DN đặt hàng quà tặng có giá trị giảm. Cụ thể, nếu như năm trước bình quân mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng thì năm nay giảm còn 700 ngàn đồng/phần. Giá trị quà tặng giảm dẫn đến nhu cầu đặt hàng gói quà Tết giảm mạnh.

Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng nhận định rằng thị trường năm nay khá trầm lắng, buộc DN phải triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

“Cung nhiều, sức mua yếu, nên chúng tôi phải giảm giá 10 - 15%, dù giá thành chăn nuôi không giảm. Với ngành này, mức giảm như vậy là đáng kể” - ông Thiện cho biết.

Năm nay, TP.HCM đã chuẩn bị hơn 22 ngàn tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ, trong đó hơn 8 ngàn tỷ đồng dành cho lương thực, thực phẩm thiết yếu, chiếm khoảng 25 - 43% thị phần. Tổng lượng hàng bình ổn giá năm nay tăng từ 4 - 6% so với năm trước, dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 23 triệu quả trứng gia cầm, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10 ngàn tấn rau củ quả… Chương trình bình ổn thị trường Tết cũng ghi nhận sự tham gia của gần 70 đầu mối chuỗi cung ứng, tăng 10 đơn vị so với năm trước.

Hiện TP.HCM có gần 11 ngàn điểm bán hàng bình ổn thị trường, bao gồm chợ truyền thống, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Các DN còn tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động đến vùng ven và ngoại thành, phục vụ người lao động thu nhập thấp.

Năm 2024, doanh thu của Công ty Vĩnh Thành Đạt tăng gần 20%, chủ yếu nhờ mở rộng kênh bán hàng trực tuyến (web bán hàng, đội ngũ giao hàng) và ra mắt sản phẩm mới như trứng lỏng thanh trùng dành cho DN sản xuất thực phẩm chế biến mà trước đây họ thường sử dụng trứng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong mùa Tết năm rồi, DN gặp tình trạng dư hàng khoảng 15%, nhưng nhờ có lợi thế sản xuất các sản phẩm chế biến nên Công ty đã giải quyết được hàng tồn. Nếu chỉ tập trung vào trứng tươi (hạn sử dụng 10 ngày), DN sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Thiện, từ ngày 15 tháng chạp mới có thể nắm rõ diễn biến thị trường và đến ngày 20 tháng chạp DN sẽ tăng tốc bán hàng. Ông kỳ vọng mức giá giảm sẽ thúc đẩy sức mua, đồng thời DN sẽ sử dụng lợi nhuận từ các khâu chăn nuôi và phân phối để hỗ trợ giá. “Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ DN, sẽ không có tình trạng khan hiếm hàng, nhưng sức mua yếu là điều đáng lo ngại” - ông Thiện chia sẻ.

Chia sẻ vấn đề này ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định: “DN không thiếu nguồn hàng nhưng sức mua có thể chưa đạt kỳ vọng. Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện để theo dõi thị trường, kịp thời can thiệp nếu có biến động giá, đảm bảo sự ổn định”.

Cũng theo ông Phương, từ nay đến Tết, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng để đưa ra phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng nhằm bảo đảm cung cầu và ổn định thị trường. Đồng thời, các cơ quan ban ngành cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Minh Hào