Đột phá khoa học công nghệ như khoán 10 nông nghiệp
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, kỳ vọng sẽ tạo ra một “cú hích” tương tự như “Khoán 10” trong nông nghiệp áp dụng với lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN).
Thoát bẫy trung bình
Khoán 10 trong nông nghiệp trước đây, cụ thể là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/4/1988, đã tạo ra một bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới, đột phá chính sách trong quản lý nông nghiệp. Theo đó, Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất lâu dài và quyền tự chủ sản xuất cho nông dân, thay dần cơ chế quản lý tập thể yếu kém, sản xuất lạc hậu theo mô hình hợp tác xã.
Nhờ Khoán 10, sản lượng lương thực đã tăng mạnh, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới từ thập kỷ 1990, tăng cường an ninh lương thực quốc gia, tạo động lực cho nông dân chủ động sản xuất và thụ hưởng những thành quả làm ra, cải thiện thu nhập và đời sống…
Khoán 10 đồng thời đã thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa thay vì sản xuất tự cấp, tự túc lạc hậu trước đây; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường… Thành công của Khoán 10 còn tạo nền tảng cho những chính sách đổi mới trong các lĩnh vực khác.
Liên hệ giữa Khoán 10 với Nghị quyết 57-NQ/TW (NQ57) của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ví von: Khoán 10 có thể hiểu đã giúp thoát đói, thoát nghèo, đến đủ, dư, rồi xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. NQ57 kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá tương tự như Khoán 10, nhưng áp dụng cho KHCN, ĐMST, CĐS.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển thành nước có thu nhập trung bình. Từ đây, chúng ta nhất định phải tiến tới mức thu nhập trung bình cao và hơn thế nữa. Để đạt được mục tiêu này, không còn cách nào khác ngoài việc tạo ra những đột phá nhằm phát triển lực lượng sản xuất mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu. Nghị quyết 57 ra đời chính là một chủ trương mang tầm chiến lược, tạo bước đột phá mới để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đổi mới tư duy hành động
NQ57 ban hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học và doanh ghiệp đồng thuận, kỳ vọng sẽ hiện thực hóa vào thực tiễn kịp thời, hiệu quả, tạo ra được “cú hích” tương tự như Khoán 10 trong nông nghiệp trước đây.
Theo PGS TS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, NQ57 về đột phá phát triển KHCN, ĐMST, CĐS đã thể hiện một cách tiếp cận mới, bao trùm, cụ thể, thực chất, xứng tầm với yêu cầu phát triển, đáp ứng mong mỏi của những người làm KHCN gắn với ĐMST.
GS TS. Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam thì kỳ vọng, triển khai NQ57 làm sao tạo ra được môi trường cho doanh nghiệp và Nhà nước đặt những đề bài có tính thực chiến, thiết thực về ĐMST. Các nhà khoa học, tổ chức khoa học nhận đặt hàng phải có đủ công cụ, thời gian, vượt qua được các điểm nghẽn để sản phẩm khoa học đi được từ phòng thí nghiệm đến nhà máy.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, nhận định: Để đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thành công, cần làm chủ công nghệ lõi. Công nghệ lõi đóng vai trò giải quyết các vấn đề chủ chốt, quyết định sự thành bại không chỉ của doanh nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Nếu chỉ đi mua, chắc chắn chúng ta không thể sở hữu những công nghệ mới nhất hay được chuyển giao những gì tốt nhất. Phát triển nhanh là cần thiết, nhưng phải bền vững. Để đạt được điều này, các chính sách và giải pháp thực hiện NQ57 cần tạo ra môi trường thúc đẩy hiệu quả ĐMST, nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ lõi.
Xét tổng thể triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển KHCN đã ban hành trước đây, thực tế cho thấy vẫn chưa đạt được các mục tiêu mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, mà nguyên nhân chính được cho là nằm ở khâu tổ chức triển khai thực hiện.
Để NQ57 đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả như kỳ vọng, ở tầm vĩ mô, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành chương trình hành động với các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ thiết thực, gắn liền với thời gian, kết quả, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Vấn đề còn lại chỉ là tổ chức thực hiện thế nào để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tại Hội nghị toàn quốc về Đột phá KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, diễn ra ngày 13/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu các cấp, ngành phải khẩn trương thể chế hóa, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện và phải coi đầu tư vào KHCN, ĐMST, CĐS là một chiến lược lâu dài, chấp nhận có độ trễ và rủi ro, mà đầu tư thì phải chấp nhận có thắng, có thua.
Thể chế phải đi trước tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động thực tiễn. Theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngay trong năm 2025, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở phát triển KHCN, ĐMST, CĐS nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cần dựa trên tinh thần đổi mới, đột phá, theo hướng thông thoáng, thuận lợi, dễ thực hiện. Một nội dung chỉ nên được quy định tại một luật. Pháp luật cần động viên, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo quyền chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cho các nhà khoa học.