Thời sự

Đề xuất giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

Nguyễn An 13/01/2025 - 15:49

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên phạm vi cả nước đang tăng cao nên cần có chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 76.179 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có 6.348 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tính chung, số doanh nghiệp trở lại hoạt động và đăng ký mới trong năm 2024 là 233.419 doanh nghiệp. Bình quân một tháng có thêm 19.452 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Do đó, để hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Tổng cục Thống kê đề xuất tiếp tục giảm lãi suất cho vay để giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Được biết, bên cạnh Tổng cục Thống kê hiện có 42% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao nhất với 50,3%. Tiếp đó là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 50,1%; cuối cùng là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%.

che-bien-che-tao-thu-hut-dau-tu.jpg
Tổng cục Thống kê đề xuất để giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh

Không chỉ vậy, Tổng cục Thống kê còn cho biết, ở quy mô địa phương, có tới 36/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân chung của cả nước (42%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao gồm: TP.HCM 51,6%; Hà Nội 48,8%; Bắc Ninh 40,5%; Đồng Nai 35,6%.

Cùng với đó, có đến 32/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao hơn mức bình quân chung của cả nước (33,3%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao gồm: Hà Nội 36,7%; Bắc Ninh 33,6%; TP.HCM 28,1%; Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 26% và 21,6%.

Mặt khác, có 33,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại có 40,2% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng; ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 37,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) với 35,0%.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế việc gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp do giá thuê đất trong năm 2024 tăng cao; đặc biệt là các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ như: TP.HCM có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 18,5%; Đồng Nai 24,1%.

Ngoài các kiến nghị trên, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có chính sách thúc đẩy hoạt động xây dựng phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất thép nói riêng có thị trường đầu ra ổn định, lâu dài.

Nguyễn An